Tác nghiệp ở trùng khơi

05/01/2017 | 07:42 GMT+7

Mệt đừ, nằm xoải, nôn, bỏ ăn khi ở trên tàu, nhưng đến các đảo thì nhanh nhẹn, tác nghiệp một cách chuyên nghiệp và đầy trách nhiệm. Đó là những hình ảnh dễ thấy ở cánh phóng viên, nhà báo theo đoàn công tác của tàu 561, thuộc Lữ đoàn 146, vùng IV Hải quân tham gia chuyển quà, hàng tết 2017 đến quân, dân ở một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Phóng viên tác nghiệp tại đảo Trường Sa.

Lần đầu tác nghiệp ở đảo

Đang tập trung viết bài sau mấy ngày tác nghiệp ở đảo Trường Sa, nhà báo Thanh Thất, Báo Gia Lai, nói: “Tranh thủ thời gian viết bài để gửi về cơ quan cho kịp thông tin về chuyến chuyển quà, hàng tết, về đời sống, sinh hoạt của quân, dân ở đây đến người dân đất liền. Chứ tôi cũng mệt lắm!”.

Khi được hỏi những ngày đầu ở trên tàu có khỏe không? Nhà báo Thanh Thất cười với vẻ… hổ thẹn. Xuất thân từ vùng đất Tây Nguyên bạt ngàn rừng núi, do đó lần đầu công tác tại đảo Trường Sa đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm. Chuẩn bị cho chuyến công tác, anh Thất cũng lường trước được sóng, gió, nắng nóng nên đã trang bị thuốc chống ói, nón tai bèo, túi xách chống thấm nước,… nhưng khi tàu rời bến khoảng 15 phút thì anh bắt đầu chóng mặt và nôn. Mấy ngày lênh đênh trên biển, anh chỉ nằm xoải, không ăn uống được gì.

Không chỉ nghiêng ngả theo những cơn sóng xô vào mạn tàu, mà khi đến đảo Trường Sa vẫn còn làm anh chênh vênh, lắc lư. “Đứng trên đảo mà tôi cảm giác như đất đang nghiêng ngả”, nhà báo Thanh Thất bộc bạch.

Trong cánh phóng viên của đoàn, có lẽ tội nghiệp nhất là nhà báo Quốc Việt, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk. Mỗi khi tác nghiệp trên đảo xong, chuẩn bị xuống tàu để di chuyển đến đảo khác là anh… ngán ngẩm. Ngày đầu tiên trên tàu, anh chỉ biết nằm, nhiều ngày sau mới “lấy lại phong độ” nhưng ăn chỉ được một chén cơm, xong anh lao thẳng lên giường. “Hôm có anh đồng nghiệp rủ ra ngoài ngắm biển cho thoải mái, tránh mệt mỏi, nhưng khi vừa ra khỏi phòng, thấy biển mênh mông cộng với những cơn sóng cao thấp làm tàu chòng chành là tôi quay lại phòng vì rất khó chịu”, nhà báo Quốc Việt kể lại.

Đối với những người lần đầu tiên tác nghiệp ở đảo Trường Sa là vậy, nhưng những phóng viên nhiều lần đến nơi “đầu sóng ngọn gió” như nhà báo Văn Nam (6 lần), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Khánh Hòa, cũng gặp không ít khó khăn. Song, do nhiều kinh nghiệm nên khi lên tàu anh hạn chế đi lại, sau khoảng một ngày thích nghi thì anh đi lại bình thường và tác nghiệp hết sức thoải mái.

Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng khi tàu cập bất cứ đảo nào thì tất cả nhà báo, phóng viên trong đoàn đều tác nghiệp một cách hăng say, chuyên nghiệp và đầy trách nhiệm. Sau khi tác nghiệp xong, mỗi người một góc phòng tranh thủ viết tin, bài để gửi về cơ quan nhằm truyền tải những thông tin ở đảo đến với người dân đất liền.

Nhiều kỷ niệm

Để chuẩn bị cho chuyến tác nghiệp thành công, nhà báo Thu Hương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk, đã tìm hiểu những thông tin liên quan đến Trường Sa qua báo, đài, sách vở. “Cảm giác của tôi lúc đó rất bồi hồi, lâng lâng khó tả, vì từ lâu đã muốn đến Trường Sa để biết đời sống, sinh hoạt của quân, dân nơi đây. Trước khi lên đảo Trường Sa, tôi cứ nghĩ đây là nơi xa xôi, hoang vắng, điều kiện sống khó khăn, nhất là nước ngọt, bởi ở đây bốn bề là biển. Nhưng khi đến, tôi hoàn toàn bất ngờ”, nhà báo Thu Hương cho biết.

Bất ngờ bởi ở đây có rất nhiều cây xanh thoáng mát, có cả Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; Đền tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; chùa Trường Sa; trường học, trạm y tế,… không khác gì so với đất liền. Bên cạnh đó, tình cảm quân, dân ở đây hết sức gắn bó, khăng khít, cùng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, chia ngọt sẻ bùi để vượt qua khó khăn, thách thức trước thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt. Ấn tượng nhất của phóng viên, nhà báo là sau những ngày tác nghiệp là tham gia buổi chào cờ cùng quân, dân trên đảo Trường Sa. Ở nơi xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, vào những ngày cuối năm thì mưa, bão, giông gió, vậy mà bài Quốc ca - hồn thiêng sông núi của Tổ quốc vẫn vang lên thật nhiều ý nghĩa.

Nhớ lại những ngày tác nghiệp ở Trường Sa, đảo chìm Đá Lát, đảo chìm Đá Tây, nhà báo Văn Nam cho biết: “Khi đến bất cứ đảo nào chúng tôi đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ, từ cái vẫy tay chào khi thấy đoàn từ xa, niềm nở, tạo điều kiện tác nghiệp, đến những cái bắt tay, cái ôm khi đoàn tạm biệt. Hôm tác nghiệp, rồi chia tay cán bộ, chiến sĩ ở đảo Đá Lát, một cán bộ nhắn nhủ với tôi: “Có dịp quay lại đây nữa nha. Cán bộ, chiến sĩ ở đây luôn mong chờ các bạn đến thăm”, làm tôi rất xúc động”.

Không chỉ có những kỷ niệm khó quên khi tác nghiệp tại một số đảo ở huyện đảo Trường Sa, cánh phóng viên còn nhiều kỷ niệm khác.

Chuyện là do điều kiện không cho phép, nên sau khi viết xong tin, bài, chúng tôi tranh thủ ra mạn tàu vào khoảng 2-3 giờ sáng để gửi về cơ quan, tạo nên một vùng sáng rực được phát ra từ các máy tính. Hay những phóng viên nào bỏ bữa do say sóng thì được các đồng nghiệp chia nhau những phần lương thực đã được trang bị trước như: lương khô, bánh gạo, mì gói… Tuy khó khăn là vậy, nhưng mỗi lần tàu cập bến ở bất cứ đảo nào là các nhà báo, phóng viên bật dậy, chuẩn bị đồ nghề để tác nghiệp.

Sau đảo Đá Lát, Trường Sa, Đá Tây, những ngày tiếp theo chúng tôi sẽ lần lượt đến các đảo Trường Sa Đông, Đá Đông, Thuyền Chài, An Bang. Tuy điều kiện tác nghiệp gặp không ít khó khăn, nhưng từng phóng viên luôn nỗ lực hết mình để vượt qua nhằm cung cấp đến độc giả, khán, thính giả những thông tin mới nhất, nhanh nhất về chuyến đi, cũng như đời sống, sinh hoạt của quân, dân ở tuyến đầu Tổ quốc.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>