Vai trò đặc biệt quan trọng của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành các cấp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT

16/02/2024 | 09:54 GMT+7

“Ngành BHXH Việt Nam đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân” là nhận định về những kết quả nổi bật trong năm 2023 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận tại Hội nghị triển khai công tác BHXH, BHYT năm 2024 của BHXH Việt Nam.

BHXH Việt Nam và Trung ương Đoàn ký Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2023-2027.

Có được những kết quả đáng ghi nhận này, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ; sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam, thì sự vào cuộc tích cực, chủ động của cấp ủy, chính quyền, cơ quan ban ngành các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT có vai trò đặc biệt quan trọng.

Sự vào cuộc mang yếu tố then chốt

Xác định sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp là yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong năm 2023, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy 63 tỉnh, thành phố về việc tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đặc biệt là việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các sở, ngành. BHXH Việt Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố chủ động, khẩn trương tham mưu cấp ủy, chính quyền kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT đến từng Ban Chỉ đạo và từng thành viên… để thực hiện chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT đến từng thôn, bản. Theo đó, BHXH các địa phương đã tăng cường công tác tham mưu nhằm kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo đến tận cấp xã, tạo chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng.

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến cấp xã; 46 tỉnh đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH, 60 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; 22 tỉnh trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện; 62 tỉnh trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT…

Bên cạnh vai trò “then chốt” của cấp ủy, chính quyền các cấp, còn là sự phối chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan bộ, ban, ngành liên quan. Cụ thể, năm 2023, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan bộ, ban, ngành trong việc đề xuất, xây dựng, sửa đổi các dự luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện, như: Luật BHXH (sửa đổi); Luật BHYT (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi);…

Để đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT theo quy định, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành: Nghị quyết số 30/NQ-CP tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT giai đoạn hậu Covid-19 và giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; Nghị định số 75/2023/NĐ-CP giải quyết khó khăn về cơ chế thanh toán kinh phí KCB BHYT vượt tổng mức thanh toán và bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHYT. Thực hiện Nghị định số 75, BHXH Việt Nam đã kịp thời thanh toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB. Đồng thời, lãnh đạo ngành thường xuyên quán triệt, chỉ đạo BHXH các tỉnh đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB hoạt động.

Tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ người tham gia BHXH của cả nước đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi với 18,2 triệu người, (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ), trong đó khoảng 3,92% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện với gần 1,83 triệu người (vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết 28-NQ/TW của BCH Trung ương). Tỷ lệ người tham gia BHTN đạt 31,58% LLLĐ trong độ tuổi với 14,6 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ).

Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ) với trên 93,3 triệu người tham gia, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN: chiếm 2,69% số phải thu. Đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng/số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69%).

Những kết quả đạt được nêu trên đã khẳng định vai trò quan trọng, “then chốt” của cấp ủy, chính quyền, cơ quan ban ngành các cấp, góp phần tạo sự đồng thuận trong triển khai chính sách BHXH, BHYT ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Sự vào cuộc đó đã thực sự phát huy hiệu quả, nhất là trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tích cực tham gia BHXH, BHYT nhằm tăng diện bao phủ BHXH, BHYT, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, góp phần đẩy mạnh công tác đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân, tạo động lực để phát triển bền vững đất nước.

Theo BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>