Những chuyển biến tích cực sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW

05/04/2024 | 05:27 GMT+7

Sau 15 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, Hậu Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia BHYT.

Công tác tuyên truyền về BHYT luôn được ngành BHXH tỉnh phối hợp các địa phương thực hiện thường xuyên.

Địa phương vào cuộc quyết liệt

Theo ông Trần Quốc Khởi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Vị Thanh: Thành ủy và UBND thành phố đã ban hành nhiều công văn, kế hoạch để thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn. Cụ thể, công văn về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố năm 2023; Quyết định về việc giao chỉ tiêu tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT cho các phường, xã năm 2023; Kế hoạch phát động phong trào thi đua vận động tham gia BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân năm 2023… Nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời, tính đến cuối năm 2023, địa phương có 68.483 người tham gia BHYT, đạt 100,13% kế hoạch UBND tỉnh giao, tỷ lệ bao phủ đạt 93,93% dân số.

Để Chỉ thị số 38-CT/TW đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác BHYT và lộ trình tiến tới BHYT toàn dân đến cán bộ, đảng viên, người lao động và Nhân dân trong tỉnh. Qua tuyên truyền, nhận thức của công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân có chuyển biến tích cực, cơ bản hiểu đúng và đầy đủ quan điểm của Đảng về BHYT, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Hiểu được ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT, chị Nguyễn Thị Trúc Linh, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, đã tham gia BHYT mấy năm nay. Chị Linh chia sẻ: “Được mọi người tuyên truyền tôi hiểu được giá trị của tấm thẻ BHYT. Do đó, tôi luôn chủ động tham gia, trước hết để phòng ngừa nếu không may bị bệnh còn có BHYT để khám chữa bệnh, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Ngoài ra, nếu mình khỏe mạnh, không cần dùng đến BHYT, thì có thể góp phần chia sẻ với cộng đồng”.

Nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân về ý nghĩa chính sách BHYT được nâng lên

Để tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT, ngoài các chính sách chung của Trung ương, tỉnh còn hỗ trợ thêm 30% mệnh giá thẻ BHYT đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo từ ngân sách địa phương; sử dụng 20% kinh phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT chưa sử dụng hết năm 2015 để hỗ trợ mua BHYT cho hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đang mắc bệnh hiểm nghèo, hỗ trợ mua BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ 20% mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên 6 tháng năm 2017, hỗ trợ quỹ khám chữa bệnh người nghèo do Sở Y tế quản lý, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở KCB. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2022-2025.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT luôn được quan tâm thực hiện. Thông qua kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện chính sách; góp phần nâng cao năng lực công tác quản lý, theo dõi, xác định đối tượng và triển khai tổ chức thực hiện tốt chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo kịp thời và đầy đủ quyền lợi cho người tham gia. Từ năm 2009 đến năm 2023, BHXH tỉnh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 1.286 đơn vị.

Công tác giám định chi phí KCB BHYT được thực hiện đúng quy định. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT đúng quy định Luật BHYT, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và của BHXH Việt Nam, đảm bảo đủ kinh phí cho các đơn vị KCB hoạt động theo hợp đồng KCB BHYT. Toàn tỉnh hiện đang ứng dụng có hiệu quả hơn 20 phần mềm nghiệp vụ, qua đó tăng cường hiệu quả công việc, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. “Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT”, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, cho biết.

Cơ sở vật chất về y tế được quan tâm và đầu tư. Chất lượng KCB BHYT ngày càng được cải thiện, thủ tục KCB nhanh gọn, đáp ứng được sự hài lòng cho người bệnh. Số lượt người KCB BHYT tại tỉnh từ năm 2009 đến năm 2023 tăng lên đáng kể: năm 2023 có trên 1,5 triệu lượt khám chữa bệnh, tăng 1,7 lần so với năm 2009 (năm 2009 là 905.810 lượt khám chữa bệnh).

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT được nâng lên, số người tham gia năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể: năm 2009 có 292.464 người tham gia BHYT, đạt 38,59% dân số, đến năm 2023 có 685.790 người tham gia, đạt 94,09% dân số.

Nếu năm 2009 có 292.464 người tham gia BHYT, chỉ đạt 38,59% dân số, đến năm 2023 có 685.790 người tham gia, đạt 94,09% dân số. Số lượt người khám chữa bệnh BHYT tại tỉnh từ năm 2009 đến năm 2023 tăng lên đáng kể: năm 2023 có trên 1,5 triệu lượt khám chữa bệnh, tăng 1,7 lần so với năm 2009 (năm 2009 là 905.810 lượt khám chữa bệnh).

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>