Nhiều mô hình, cách làm hay phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

08/12/2023 | 07:41 GMT+7

Với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả ở các hội, đoàn thể, đơn vị, địa phương, đã góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Mô hình “Ống heo tiết kiệm mua BHXH tự nguyện” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Ngã Sáu đã vận động được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện.

Từ những giải pháp, cách làm thiết thực

Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND phường I, thành phố Vị Thanh, xác định công tác phát triển người tham gia BHYT là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND phường đã đưa chỉ tiêu BHYT vào Nghị quyết của HĐND phường và Chương trình công tác năm của Đảng ủy. Đảng ủy, UBND phường có kế hoạch thi đua giữa các khu vực trên địa bàn. Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ phường được phân công chỉ đạo khu vực. Trong các đợt tuyên truyền cao điểm, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND phường đều xuống các khu vực, cùng tham gia tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay phường I có 5.287 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 94,04% dân số.

BHYT, BHXH tự nguyện là chính sách của Nhà nước, giúp người dân đều có cơ hội được chăm sóc sức khỏe và có lương hưu khi hết tuổi lao động. Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố năm 2023 và Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT, giai đoạn 2022-2025, Thành ủy Vị Thanh đã ban hành Công văn số 803 về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố năm 2023.

Ban Thường vụ Thành ủy Vị Thanh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các phòng, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến phường, xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH tự nguyện, BHYT. Đảng ủy, UBND các phường, xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, khu vực, ấp tập trung quyết liệt cho công tác vận động, tuyên truyền và bằng mọi giải pháp phải thực hiện cho đạt chỉ tiêu năm 2023. Chọn phường III, phường IV và xã Vị Tân thực hiện mô hình “Mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên, vận động ít nhất 1 người thân, người quen tham gia BHXH tự nguyện, BHYT”…

Cùng với thành phố Vị Thanh, các địa phương trong tỉnh đề ra nhiều giải pháp, cách làm để nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn.

Đến các mô hình hiệu quả

Với mong muốn mọi người dân đều có cơ hội được hưởng chính sách hưu trí để bảo đảm an sinh khi về già, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, từ đó, vận động hội viên, phụ nữ tham gia bảo hiểm, thành lập mô hình “Ống heo tiết kiệm mua BHXH tự nguyện”.

Mô hình có 4 tổ, mỗi tổ có 20-30 người tham gia, mỗi hội viên phụ nữ sẽ tiết kiệm ít nhất 10.000 đồng mỗi ngày để bỏ vào ống heo để tham gia BHXH tự nguyện với mức thấp nhất hàng tháng là 297.000 đồng, hoặc có thể bỏ ống nhiều hơn tùy vào thu nhập và số lượng thành viên muốn tham gia BHXH tự nguyện của gia đình. Sau một tháng tiết kiệm, chị em sẽ có đủ kinh phí để tham gia BHXH tự nguyện. Mô hình giúp các hội viên có ý thức tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Huỳnh Thị Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Ngã Sáu, cho biết: “Với phương châm “Tích lũy khi trẻ, vui khỏe khi già”, nên khi còn khỏe mạnh thì mọi người cố gắng tiết kiệm để đóng BHXH. Sau này khi hết tuổi lao động, già yếu có lương hưu hàng tháng, có BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe, không phải phụ thuộc con cháu và trở thành gánh nặng cho xã hội”.

Cùng với mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Ngã Sáu, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Châu Thành còn thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như câu lạc bộ “Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT, BHXH tự nguyện”, “Tổ phụ nữ gây quỹ tiết kiệm mua BHYT”, phối hợp thực hiện mô hình “Bảo hiểm xanh” đổi rác thải nhựa lấy BHYT...

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Chân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành, các mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm duy trì sinh hoạt thường xuyên, trong những lần sinh hoạt đã tuyên truyền những chính sách liên quan đến BHXH tự nguyện, BHYT, các chị em còn hướng dẫn người dân tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT. Nhờ đó, khi thẻ gần hết hạn, mọi người chủ động tái tục, để thẻ được liên tục. Toàn huyện có trên 58 câu lạc bộ, tổ, nhóm với hơn 500 hội viên tham gia các mô hình trên.

Với các giải pháp, cách làm hay, những mô hình, câu lạc bộ về BHYT, BHXH tự nguyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia bảo hiểm, góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>