Người lao động thiệt đủ đường nếu rút bảo hiểm xã hội một lần

02/06/2023 | 07:39 GMT+7

Không có lương hưu hàng tháng khi đã hết tuổi lao động, mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, số tiền nhận về thấp hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH)… là những thiệt thòi của người lao động khi rút BHXH một lần.

Người lao động cần cân nhắc trước khi quyết định rút BHXH một lần để tránh thiệt thòi. (Ảnh minh họa)

Thực trạng đáng lo ngại

Trước đây, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy đi làm công nhân cho một công ty nhựa ở tỉnh Bình Dương và có 4 năm đóng BHXH. Năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công việc không được thường xuyên chị nghỉ làm về quê. Do có con nhỏ và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống nên chị quyết định làm thủ tục hưởng chế độ BHXH một lần. Chị Linh cho biết: “Gia đình gặp nhiều khó khăn, tôi đành chọn giải pháp rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống”. Chị Linh cũng chưa suy nghĩ đến tương lai sau này khi không có lương hưu sẽ ra sao, chị chỉ biết cần có một khoản tiền ngay trong thời điểm này để trang trải cuộc sống trước mắt.

Do nhiều nguyên nhân, người lao động chọn giải pháp rút BHXH một lần, dù biết chịu nhiều thiệt thòi. Chị Hồ Thị Thúy Ngọc, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy có trên 10 năm tham gia BHXH. Vừa qua, chị cũng đã nộp đơn rút BHXH một lần. Chị Ngọc bộc bạch: “Rút BHXH một lần, tôi biết là thiệt thòi về sau, nhưng cuộc sống khó khăn, tôi đành chấp nhận”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phúc, ở phường IV, thành phố Vị Thanh cho biết: “Tôi đi làm thuê ở tỉnh Bình Dương 5 năm và được đóng BHXH. Do sức khỏe suy yếu, chân tay nhức mỏi, tôi không thể tiếp tục làm việc nên đành xin nghỉ việc”. Sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà Phúc quyết định sẽ làm thủ tục rút BHXH một lần, mục đích để chi tiêu trong thời gian sắp tới. Khi được hỏi tới đây bà có tham gia BHXH trở lại để được nhận lương hưu khi đủ điều kiện hay không, bà Phúc bộc bạch, do kinh tế còn khó khăn nên bà chưa có dự định tham gia lại.

Có thể thấy, do kinh tế gia đình khó khăn nên một số người lao động lựa chọn rút BHXH một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống; đồng thời một bộ phận nhỏ người lao động vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có được một khoản “tiền tươi”. Với nhiều người, số tiền rút BHXH một lần cũng chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi và lại tiếp tục lo mưu sinh cho tuổi già. Thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của người lao động mà còn tạo hệ lụy cho an sinh xã hội của địa phương.

Rất nhiều thiệt thòi nếu chọn rút BHXH một lần, nên phải suy tính thật kỹ

Theo BHXH tỉnh, từ đầu năm đến nay có 5.097 người nhận BHXH một lần, tăng gần 1.400 người với cùng kỳ năm 2022. Điều này rất đáng lo ngại, bởi khi rút BHXH một lần đồng nghĩa với việc toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động sẽ chấm dứt. Người lao động nếu muốn tiếp tục tham gia BHXH để nhận lương hưu sẽ phải đóng lại từ đầu, nhưng không phải ai cũng có thể đóng đủ thời gian theo quy định để được nhận lương hưu.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh, khi quyết định rút BHXH một lần, người lao động mất đi cơ hội hưởng lương hưu. Khi còn trẻ, người lao động có nhiều cơ hội để kiếm việc làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống, nhưng đến khi về già, nếu không có lương hưu, người già sẽ phải phụ thuộc vào con cái. Không những thế, người lao động còn mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.

Theo quy định của pháp luật, hiện nay tổng mức đóng BHXH là 22% mức tiền lương hàng tháng. Trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%. Khi quyết định nhận BHXH một lần thì số tiền người lao động nhận được sẽ ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng vào Quỹ BHXH. Cụ thể, một năm mức đóng BHXH bằng 2,64 tháng lương, trong khi người lao động chỉ nhận được số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm. Còn nếu nhận lương hưu mỗi năm người lao động nhận được 12 tháng mức bình quân, ngoài ra còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân.

Lương hưu không hưởng cố định mà điều chỉnh tăng theo chỉ số giá và mức tăng trưởng kinh tế hàng năm. Giữa 2 người cùng có điều kiện về thời gian và mức đóng BHXH, cùng độ tuổi thì tổng lợi ích bằng tiền của người hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần. Cùng với đó, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi người lao động không may qua đời. Bởi nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.

“Qua phân tích cho thấy khi lựa chọn rút BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Do đó, người lao động cần cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi quyết định rút BHXH một lần. Theo tôi, trong điều kiện khó khăn người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, đến khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia lại hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ điều kiện được hưởng lương hưu, đảm bảo việc chủ động trong cuộc sống khi về già và an sinh xã hội của đất nước. Sắp tới đây, dự kiến Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu cho người lao động. Do vậy, người lao động không nên vội vàng vì cái lợi trước mắt mà đánh mất cái lợi lâu dài, rời khỏi hệ thống an sinh”, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh, nhấn mạnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh, mặc dù, việc người lao động đăng ký nhận BHXH một lần không ảnh hưởng nhiều đến Quỹ BHXH, nhưng vấn đề đặt ra chính là hệ lụy đối với từng cá nhân, có nghĩa là sau này những người không có lương hưu không có điểm tựa vững chắc, sẽ mang “gánh nặng kinh tế” đối với bản thân, gia đình và an sinh xã hội của tỉnh. Để hạn chế người lao động rút BHXH một lần, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, bưu điện, cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích lâu dài của chính sách BHXH. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện để người lao động khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, để được hưởng lương hưu khi đóng đủ số năm theo quy định...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>