Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

23/01/2023 | 11:50 GMT+7

Với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh luôn nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số để đưa các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến với người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.

481.804 người tham gia BHXH, BHYT tại tỉnh đã được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đây là nỗ lực lớn của BHXH tỉnh nhà.

Thực hiện nhanh chóng, đồng bộ

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh: Công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin luôn được BHXH tỉnh thực hiện nhanh chóng, đồng bộ. Đồng thời, BHXH tỉnh luôn xác định thực hiện chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ, của ngành BHXH Việt Nam cũng như các kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh Hậu Giang là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giảm thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị, cá nhân giao dịch với cơ quan BHXH; qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác, phục vụ người tham gia và thụ hưởng của viên chức trong toàn hệ thống BHXH tỉnh.

BHXH tỉnh sắp xếp, bố trí, đào tạo nguồn nhân lực có năng lực, trình độ công nghệ thông tin đảm bảo các yêu cầu trong thực hiện công tác chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường việc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công ngành BHXH Việt Nam hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích, giao dịch điện tử nhằm hạn chế tối đa việc nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH, góp phần giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, hầu hết các thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam đều được thực hiện trên không gian số.

Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06), BHXH tỉnh đã thực hiện một cách khẩn trương, góp phần nâng cao hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. BHXH tỉnh đã tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan để liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; phối hợp với Cục Thuế để rà soát, khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; chia sẻ dữ liệu thẻ BHYT cho các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức phát động Cuộc thi “Tìm hiểu, cài đặt ứng dụng VssID-BHXH số” cho học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các phòng lao động - thương binh và xã hội huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ chia sẻ dữ liệu người có công, bảo trợ xã hội để xử lý dữ liệu cập nhật số định danh cá nhân/căn cước công dân vào cơ sở dữ liệu chung của ngành BHXH Việt Nam.

Đáng chú ý, BHXH tỉnh đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay từ khi cơ sở dữ liệu này được đưa vào vận hành chính thức, trong đó có lĩnh vực khám, chữa bệnh BHYT, tạo nhiều thuận lợi cho người dân. Tính đến ngày 30-11-2022, toàn tỉnh có 481.804 người tham gia BHXH, BHYT đã được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chiếm tỷ lệ 77,54% so với tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh (đứng thứ 13 trên toàn quốc).

Viên chức BHXH tỉnh tích cực hướng dẫn mọi người cài đặt ứng dụng “VssID-BHXH số”.

Bước đột phá mạnh mẽ trong chuyển đổi số

Bị bệnh tiểu đường đã nhiều năm, do đó bà Nguyễn Thị Nhỏ, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, thường xuyên đến bệnh viện để khám bệnh, lấy thuốc BHYT. Song thời gian gần đây bà đã không phải dùng đến thẻ BHYT, mà mỗi lần đến khám bệnh như vậy bà được tra cứu thông tin bằng căn cước công dân gắn chíp. “Việc tra cứu bằng thẻ căn cước công dân giúp tôi không còn phải mang theo nhiều giấy tờ như trước, thuận lợi lắm”, bà Nhỏ bộc bạch.

Việc khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân như không cần phải mang thẻ BHYT, nếu trường hợp mất hoặc thẻ BHYT bị rách, hỏng, hết hạn thì không phải làm thủ tục cấp lại. Theo thống kê của BHXH tỉnh, toàn tỉnh hiện có 95/95 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp. Để triển khai hiệu quả việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT, BHXH tỉnh đã thông báo và cung cấp tài liệu hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ BHYT thông qua căn cước công dân gắn chíp đến các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh.

Cùng với khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắp chíp, sự ra đời của ứng dụng “VssID-BHXH số” trên thiết bị di động là một bước đột phá mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Sau gần 2 năm triển khai, ứng dụng ngày càng khẳng định và phát huy vai trò hữu ích trong việc cung cấp thông tin chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia; các dịch vụ công trong giao dịch với cơ quan BHXH… giúp người tham gia chủ động quản lý thông tin, trực tiếp giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN của bản thân. Chị Cao Thị Bích Trâm, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho biết: “Theo tôi, việc sử dụng ứng dụng “VssID-BHXH số” rất tiện lợi trong việc đăng ký khám, chữa bệnh. Chẳng hạn, bản thân tôi có lần đi khám bệnh mà quên thẻ BHYT thì có sẵn ứng dụng trên điện thoại di động nên vẫn khám BHYT và nhận thuốc được, không phải mất thời gian quay về nhà lấy thẻ BHYT. Ngoài ra, còn có thể biết được thông tin về lịch sử khám, chữa bệnh BHYT của bản thân”.

Việc triển khai ứng dụng “VssID-BHXH số” là bước đi quan trọng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH. Đến nay, toàn tỉnh có 78.719 người đã cài đặt, phê duyệt tài khoản giao dịch điện tử cá nhân và sử dụng ứng dụng “VssID-BHXH số”, đạt 119,2% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao (BHXH Việt Nam giao năm 2022 là 66.019 người).

Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, BHXH tỉnh tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh, để thực hiện mạnh mẽ công tác chuyển đổi số, BHXH tỉnh tiếp tục phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành để phục vụ tốt nhất doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ BHXH, BHYT, BHTN để đẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia. Chú trọng tuyên truyền người có thẻ BHYT cài đặt, đăng ký và sử dụng ứng dụng “VssID-BHXH số”; cập nhật số định danh cá nhân/căn cước công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia, để sử dụng căn cước công dân gắn chíp khám, chữa bệnh BHYT. Cùng với đó, đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ; đẩy mạnh chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ...

Tính đến ngày 30-11-2022, toàn tỉnh có 481.804 người tham gia BHXH, BHYT đã được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chiếm tỷ lệ 77,54% so với tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Có 78.719 người cài đặt, được phê duyệt tài khoản giao dịch điện tử cá nhân và sử dụng ứng dụng “VssID-BHXH số”, đạt 119,2% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao (BHXH Việt Nam giao năm 2022 là 66.019 người). Có 95/95 cơ sở thực hiện việc khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp.

 

CẨM LÌNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>