Sở hữu toàn dân về đất đai

13/07/2017 | 08:53 GMT+7

Hỏi: Tại sao nói sở hữu toàn dân về đất đai mà cá nhân lại đứng tên? Phải hiểu như thế nào cho đúng ? (Lê Văn Toàn, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ)

Đáp: Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta ra đời khi Hiến pháp năm 1980 được ban hành dựa trên cơ sở lý luận về tính tất yếu khách quan của việc xã hội hóa đất đai. Hiến pháp năm 1980 quy định đất đai là của Nhà nước thuộc sở hữu toàn dân.

Khi nói về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là đề cập một hệ thống quy chế chung trong quan hệ đất đai mà toàn dân là chủ nhưng “toàn dân” không thể tự đứng ra để thực hiện những “quyền” sở hữu cụ thể (chiếm hữu - sử dụng - định đoạt) mà phải cử người thay mặt mình, nhân danh mình để làm việc đó. Trong trường hợp này, Nhà nước là người đủ tư cách nhất, vì Nhà nước ta xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền định đoạt của Nhà nước đối với đất đai được thực hiện dựa trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là hai mặt của một vấn đề và hai mức của quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên - nếu xét về mặt pháp luật và chính trị.

Với tư cách là người đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai, gồm có: Quyết định mục đích sử dụng đất (thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất); quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; định giá đất.

Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất và quy định quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Các cá nhân, tổ chức không có quyền sở hữu đất mà chỉ có quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất của các chủ thể này được xác lập do được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng. Người có quyền sử dụng đất tuy không có quyền sở hữu đối với đất nhưng trong những trường hợp nhất định cũng có các quyền năng như: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất.

Trên đây là một số trao đổi cơ bản đến anh Lê Văn Toàn. Mến chào anh !

Luật sư Trần Văn Độ

(Trưởng Văn phòng Luật sư Hữu Nhân)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>