Được sử dụng đất thừa so với bằng khoán ?

27/07/2017 | 08:57 GMT+7

Hỏi: Tôi và bà C. tranh chấp đất với nhau, khi kiện ra tòa, qua đo đạc, cơ quan chức năng xác định trên hai phần đất tranh chấp thừa 60m2 (2m x 30m) trên phần đất thực tế tôi đã sử dụng từ lâu (13 năm). Phiên tòa sau đó tạm dừng lại. Vậy tôi có được quyền sử dụng phần đất đó lâu dài không ? (Nguyễn Văn T., huyện Vị Thủy)

Đáp: Qua câu hỏi ông T., tôi có thể hiểu rằng tổng diện tích đất thực tế của ông và bà C. đều dư so với giấy CNQSDĐ được cấp. Đồng thời, phần đất tranh chấp đã được ông T. sử dụng liên tục 13 năm. Vấn đề đặt ra là ông T. có được quyền tiếp tục sử dụng phần đất đó lâu dài hay không ?

Tôi có một số ý kiến để ông tham khảo như sau:

Theo Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 quy định về việc “Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”. Cụ thể như sau:

Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Như vậy, xét theo thời gian mà ông chiếm hữu đất thì ông chưa đủ điều kiện để được công nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, vụ việc của ông đang trong quá trình tòa án giải quyết. Khi giải quyết vụ kiện, tòa án sẽ phải xem xét toàn bộ chứng cứ, căn cứ vào nguồn gốc ông chiếm hữu đất, thời gian chiếm hữu, quy hoạch sử dụng đất,… thì tòa án mới có một bản án phù hợp với quy định.

Trong trường hợp khi thực hiện việc khởi kiện tại tòa án, ông là người khởi kiện hoặc là người bị kiện có yêu cầu phản tố công nhận quyền sử dụng đất mà tòa án công nhận phần đất 60m2 đó cho ông thì ông có quyền liên hệ cơ quan chức năng để thực hiện việc đăng ký xin cấp giấy CNQSDĐ và sử dụng lâu dài.

Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh Thy

(Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thy)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>