Quan tâm đầu tư các tuyến giao thông bức xúc

13/04/2021 | 19:41 GMT+7

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển giao thông nông thôn, cải thiện điều kiện đi lại cho Nhân dân. Tuy nhiên, nhiều nơi bức xúc về đường đi lại vẫn chưa được giải quyết.

Nhiều nơi vẫn còn bức xúc về giao thông nông thôn.

Hiệu quả từ nguồn lực đầu tư

Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đầu tư, những năm qua Hậu Giang tranh thủ các nguồn lực để xây dựng công trình cầu, đường giao thông nông thôn. Mỗi công trình triển khai đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, đặc biệt là những địa bàn còn khó khăn.

Những ngày đầu tháng 4, cầu Sáu Đời, ở ấp 4, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, được triển khai thi công trong sự phấn khởi của người dân địa phương. Công trình được đầu tư từ nguồn xã hội hóa và một phần vốn đối ứng của huyện. Cầu có kết cấu bê tông cốt thép, ngang 3m, dài 18m. Sau khi hoàn thành sẽ cải thiện điều kiện đi lại cho người dân địa phương, nhất là giúp các em học sinh trong ấp đến trường thuận tiện hơn. Ông Đỗ Quang Thuần, đại diện nhà tài trợ, cho biết: “Hy vọng công trình cầu Sáu Đời sẽ kết nối nhiều niềm vui cho người dân địa phương khi đưa vào sử dụng”.

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách ngày càng hạn hẹp, việc tăng cường huy động xã hội hóa, tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng, doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.

Kể từ khi cầu Ngọn Ông Cốm, ở ấp Thạnh Thới, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân địa phương cũng vơi đi nỗi lo khó vận chuyển nông sản. Cây cầu còn có ý nghĩa quan trọng với lực lượng công nhân ở địa phương do rút ngắn được quãng đường di chuyển từ nhà ra Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh. Cầu Ngọn Ông Cốm được đầu tư khoảng 180 triệu đồng, 50% vốn từ ngân sách, phần còn lại do mạnh thường quân và người dân địa phương chung tay góp sức.

Ông Trương Văn Tấn, ở ấp Thạnh Thới, xã Đông Thạnh, cho hay: Kể từ khi có cây cầu Ngọn Ông Cốm, bà con trồng mít và chanh không hạt ở đây không còn lo chuyện khó buôn bán nữa vì xe tải cỡ nhỏ đã vào được tận nhà. Đường sá liền lạc, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn. Để tạo điều kiện cho người dân địa phương dễ dàng lưu thông, nhất là công nhân di chuyển vào ban đêm, ở 2 đầu cầu còn được lắp thêm 2 cây đèn chiếu sáng.

Sự phát triển của hệ thống giao thông nông thôn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Chất lượng cuộc sống người dân cũng nhờ vậy được nâng lên, minh chứng rõ nét là ở những nơi có công trình, dự án đã đi qua.

Nhiều nơi còn bức xúc

Dù rất tranh thủ các nguồn lực, nhưng nhu cầu ở các xã, thị trấn vẫn còn nhiều. Phổ biến nhất là tình trạng xuống cấp mặt đường sau một thời gian dài được đầu tư xây dựng.

Đơn cử như tuyến đường ven kênh 9.500, ở ấp 9A1, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy. Do được đầu tư từ nhiều năm trước, theo thời gian, mặt cứng bên trên đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện trạng là có rất nhiều đoạn trên tuyến hư hỏng, cũng có nơi bong tróc gần như hoàn toàn. Dọc tuyến này có khá đông dân cư sinh sống, phương tiện giao thông di chuyển thường xuyên. Người dân địa phương lo lắng nếu không sớm được sửa chữa, mặt lộ sẽ càng xuống cấp nặng hơn khi mùa mưa đến. Lúc đó, việc duy tu càng khó khăn.

Ông Phạm Văn Hùng, người dân địa phương, cho biết: “Tuyến này làm cũng lâu rồi, theo thời gian bị xuống cấp dần. Nhất là mấy năm nay, mặt lộ hư hỏng ngày một nặng. Có chỗ gồ ghề, khó đi! Người dân địa phương mong mỏi ngành chức năng sớm duy tu sửa chữa lại trước mùa mưa để đảm bảo an toàn giao thông”.

 Bên cạnh tình trạng xuống cấp, nhiều nơi vẫn chưa được đầu tư lộ giao thông nông thôn. Đơn cử như tuyến đường nằm ven kênh Củ Tre, ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. Dẫu người dân địa phương nhiều lần bức xúc phản ánh nhưng đến nay tuyến vẫn chưa được triển khai xây dựng. Tình trạng này tồn tại đã rất nhiều năm nay.

Người dân địa phương kể rằng trước kia có con đường đá do người dân bỏ tiền ra đổ. Đến năm 2011, chính quyền địa phương vận động múc đất dưới kênh lên để gia cố nền lộ, chuẩn bị làm đường. Rồi nhà nhà phát quang cây cối đón đợi xáng múc. Thời gian trôi qua đã gần chục năm, mặt đất cũng đã dẽ dặt nhưng tuyến đường thì chưa được đầu tư. Ông Nguyễn Hoàng M, ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, tâm sự: “Phải chi còn lớp đá bụi như hồi trước, việc đi lại vào ngày mưa cũng sạch hơn. Giờ mưa xuống là ai ở nhà nấy, không đi đâu được. Mưa xuống, xóm này vắng hoe, bởi đâu có xe nào chạy vào được. Hiện giờ, ai cũng bức xúc và trông đợi có đường”.

Ông Lâm Quốc Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Viễn, thông tin: Trước tết, chúng tôi có xuống gặp gỡ người dân địa phương ghi nhận những đề xuất của người dân nơi đây. Được biết, đây cũng là tuyến có nhiều ý kiến bức xúc, một số hộ gia đình chính sách cũng đề xuất đầu tư tuyến lộ giúp giao thông đi lại dễ dàng. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên chúng tôi chỉ ghi nhận và đề xuất về trên. Trong năm 2021, tuyến lộ này vẫn chưa được đầu tư. 

Vậy là thêm một mùa mưa nữa bà con nơi đây phải sống trong cảnh đường sá lầy lội; sau bao lần phản ánh không biết phải đợi đến bao giờ? Có thể thấy, nhu cầu đầu tư về giao thông ở các xã, thị trấn còn rất lớn. Việc đầu tư cần quan tâm ưu tiên các công trình bức xúc để sớm giải quyết cơ bản về điều kiện đi lại cho người dân.

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>