Phát triển vận tải vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí, bảo đảm quốc phòng, an ninh

19/12/2022 | 09:38 GMT+7

(HG) - Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch Phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bảo đảm kết nối hài hòa và hiệu quả giữa các phương thức vận tải, chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, lấy đường thủy làm trọng tâm.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu thị phần vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa và hiệu quả giữa các phương thức vận tải; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, lấy đường thủy làm trọng tâm. Đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện thủy nội địa chở container; khuyến khích chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, đặc biệt là công nghệ thông tin và các xu hướng công nghệ mới trong vận tải và logistics để có những bước phát triển đột phá cả trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường vận tải, nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành giao thông vận tải. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường công tác kiểm tra tải trọng xe, tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật, xử lý nghiêm các vi phạm luật giao thông. Thúc đẩy kết nối hoạt động vận tải trong thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố trong vùng.

Kế hoạch xác định các giải pháp chủ yếu gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp hơn cho quản lý phát triển thị trường vận tải. Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.

Phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc - Nam và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt. Ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa ở khu vực phía Nam. Tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới bằng cách đẩy mạnh cơ chế một cửa quốc gia. Áp dụng cơ chế một cửa quốc gia cho tất cả các thủ tục liên quan đến người, phương tiện và hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh. Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 trong tất cả các lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải: Công tác quản lý nhà nước, quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics. Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải; phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội chuyên ngành. Nâng cao số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đạt chất lượng dịch vụ cao hơn.

Tin, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>