Lấn chiếm hành lang an toàn giao thông: Vấn đề nan giải !

21/08/2023 | 09:00 GMT+7

Mặc dù đã có nhiều đợt ra quân tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí xử lý, tuy nhiên, ngay sau khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để kinh doanh lại tái diễn tại nhiều tuyến đường trong tỉnh.

Bày bán hàng hóa lấn chiếm ở ngã ba Cái Tắc.

Nhiều lý do

Dù biết là nguy hiểm và cản trở giao thông nhưng vì nhanh, gọn lại nghĩ chỉ cần ít đồ ăn, nên chị T. một công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, hay chọn mua ở các hộ buôn bán ở lề đường thay vì đi chợ hay siêu thị. Có cầu thì sẽ có cung, dù số hộ buôn bán có giảm sau những đợt ra quân của lực lượng chức năng, nhưng tại Quốc lộ 61 và 61C, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để buôn bán vẫn tái diễn.

Một hộ buôn bán tại Quốc lộ 61, lý giải: “Buôn bán đủ sống qua ngày. Ngay dốc cầu, mấy cô lớn tuổi nghỉ bán bớt rồi, còn có 1 - 2 người thôi. Vô chợ bán không bằng ở đây. Chỗ này, chủ nhà cho em bán, không có thu tiền mặt bằng”.

Cách đó không xa, một người dân đang sắp xếp lại hàng hóa của mình cho bắt mắt, bộc bạch: “Bán ế, nắng dữ lắm! Nhưng không có chỗ bán thì ráng. Địa phương cũng đi kiểm tra hoài. Ở đây, ai cũng dẹp vô cho gọn gàng. Đường này chủ yếu buổi sáng xe chạy nhiều, chứ chiều cũng thưa bớt”.

Điểm chung của các hộ buôn bán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đó là bán nhỏ, lẻ, chủ yếu là nông sản, thịt, cá. Một hộ bán ở gần chợ Cái Tắc, chia sẻ: “Hổm rày mưa gió, bán ế lắm. Mấy người đằng kia, người ta bán trước, bán được nhiều hơn. Vô chợ thì xa nên bán sạp như vầy không bằng những người bán ở ngoài”.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết thời gian qua, lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền bằng xe phóng thanh lưu động trên các tuyến Quốc lộ 61C và tuyến Quốc lộ 61. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, phát tờ gấp với nội dung việc mua bán, lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông đường bộ là hành vi vi phạm. Từng hành vi cụ thể sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100 của Thủ tướng Chính phủ để người dân hiểu, tự giác không vi phạm.

“Riêng Quốc lộ 61, chúng tôi đã ra quân, dọn dẹp và tháo dỡ nhiều mái che, dù, lán trại của người dân mua bán lấn chiếm. Cơ bản đường thông, hè thoáng. Tuy nhiên, ngay hôm sau, một số hộ dân vẫn ra lòng, lề đường mua bán tiếp, che dù lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Số lượng này ít thôi. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ tiếp tục đi phúc tra, nhắc nhở. Sau khi phúc tra xong, hộ nào còn cố tình vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định”, ông Nguyễn Lâm Thành cho biết.

Phân tích về việc cứ khi không thấy bóng dáng lực lượng chức năng thì mọi việc đâu lại vào đấy. Tình trạng lấn chiếm cứ lắng xuống một thời gian rồi lại tái diễn có khi còn phức tạp hơn. Ông Nguyễn Lâm Thành phân tích: “Theo tôi có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do xử lý của mình còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Người mua bán phần lớn là những hộ nghèo. Mình chỉ tuyên truyền, nhắc nhở, thuyết phục họ hoặc bố trí họ buôn bán vào nơi khác. Tuy nhiên, những nơi khác buôn bán không tốt bằng những vị trí hiện tại, do vậy họ tiếp tục lấn chiếm lòng lề đường. Nguyên nhân thứ hai, là do chính quyền địa phương thiếu thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. Như vậy, người dân tiếp tục trở ra mua bán”.

Quy hoạch nơi mua bán

Về lý, việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh không đơn thuần là giải quyết bài toán kinh tế cho người nghèo. Về tình, nếu tiếp tục để tình trạng này kéo dài, dễ dẫn đến tình trạng “lờn luật” và phát sinh những rắc rối, hệ lụy như mất an ninh trật tự, mất đi vẻ mỹ quan của khu vực.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho hay: “Bây giờ, chợ Cái Tắc đã quá tải rồi, mình chỉ bố trí được một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, đưa họ vô đây mấy lần rồi nhưng cuối cùng họ vẫn quay trở ra bởi vì bán không được, doanh thu kém. Về lâu dài, Nhà nước cần có quy hoạch khu chợ mới để đảm bảo đủ nơi mua bán cho người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lý Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, cho biết đang chỉ đạo cho Ban quản lý chợ thị trấn phối hợp với Ban quản lý chợ của huyện để di dời các hộ mua bán lấn chiếm lòng, lề đường để bố trí vào điểm mua bán mới đảm bảo an toàn. Điểm mới này, được bố trí đối diện cổng chợ Cái Tắc. Điểm bán này vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa giúp công nhân dễ dàng ghé mua hàng, vừa đỡ gánh nặng cho địa phương. Riêng đối với các hộ có biển, bảng hiệu vi phạm lấn chiếm, cơi nới mái che vi phạm, địa phương sẽ nhắc nhở để các hộ tự tháo dỡ. Nếu tái phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

“Đối với việc mua bán lấn chiếm lòng, lề đường dưới dốc cầu Cái Tắc hiện còn 2 hộ sẽ vận động di dời vào nơi mua bán mới do địa phương bố trí. Đồng thời, làm việc với chủ nhà cho thuê (bán trước vỉa hè), nếu không chấp hành quy định sẽ lập biên bản xử lý. Bởi vì biết hành vi vi phạm lấn chiếm vỉa hè rồi mà vẫn cho người dân thuê bán. Đa số người mua là công nhân, họ chạy ngang ghé mua xong rồi đi, chứ không phải những người mua cố định ở địa bàn Cái Tắc ghé đó mua”, ông Lý Anh Khoa cho biết thêm.

Dẫu biết rằng cuộc sống mưu sinh là quan trọng, nhưng thiết nghĩ không nên đánh đổi bằng sự an toàn của người bán lẫn người mua. Cùng với việc xử lý người lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, hành lang an toàn giao thông, nên chăng đã đến lúc cần cân nhắc đến cả việc xử lý người mua. Còn về lâu dài, cần làm tốt việc quy hoạch “mua có nơi, bán có chỗ”. Từ đó, câu chuyện “biết rồi nói mãi”, mới có thể giải quyết căn cơ, trả lại hè thông, lề thoáng, đảm bảo an toàn giao thông, tránh đi những vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>