“Huyết mạch” đồng bằng

22/01/2023 | 06:08 GMT+7

Nghe Podcast:

/uploads/Audio/News/2023/01/22/062816Huyết mạch đồng bằng.mp3

Với tiềm năng sẵn có và lợi thế mới về hạ tầng giao thông, khi các trục đường cao tốc được hình thành, Hậu Giang sẽ đón nhiều cơ hội phát triển toàn diện, đặc biệt là bứt phá về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và logistics.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác khảo sát nút giao IC4, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Hậu Giang.

Cơ hội bứt phá từ các tuyến cao tốc

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Đây là trục đường cao tốc đầu tiên đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang, chiều dài khoảng 63km, chiếm tới 58% tổng chiều dài toàn tuyến. Với những cơ chế đặc thù được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt, quy trình đầu tư đã được rút ngắn hơn nhiều so với các dự án cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 1.

Nhìn lại chặng đường vừa qua, Hậu Giang cũng như các tỉnh, thành có tuyến đi qua đã dồn hết tâm sức thực hiện nhiệm vụ được giao. Giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc đầu tiên và là dự án giao thông trọng điểm Quốc gia trong thời gian ngắn là áp lực không nhỏ đối với cơ quan chuyên môn của tỉnh. Nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hậu Giang đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao sớm hơn thời gian Nghị quyết quy định.

Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế - Quốc hội kết hợp với Bộ Giao thông Vận tải khảo sát phương án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn thuộc địa bàn huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang).

Trước thềm năm mới 2023, lễ khởi công dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang đã được long trọng tổ chức trên địa bàn xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, chính thức đánh dấu giai đoạn thi công Dự án đường bộ cao tốc đầu tiên qua địa phận tỉnh. Niềm vui càng được tiếp nối khi vào năm 2023 này, tỉnh sẽ có thêm tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, đi qua với chiều dài khoảng 37km. Như vậy, với 2 tuyến cao tốc này, Hậu Giang sẽ đón khoảng 100km cao tốc trong tương lai gần.

Hậu Giang, nơi giao nhau của 3 tuyến cao tốc sắp hình thành.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Hậu Giang rất phấn khởi đón các dự án cao tốc đi qua địa bàn. Tỉnh đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương lân cận quyết tâm triển khai nhanh, đúng tiến độ và đảm bảo đúng quy định pháp luật những công việc được giao. Sự quan tâm đầu tư của các Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành giúp mở ra nhiều cơ hội mới, gia tăng tiềm lực thu hút, kêu gọi đầu tư, tăng cường liên kết giữa Hậu Giang với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ là trục cao tốc ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, đi qua thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng, kết nối vào cảng biển nước sâu Trần Đề. Đồng thời, kết nối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, các tuyến trục dọc đã và đang đầu tư. Liên kết các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Qua đây, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển chung cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hậu Giang đang đón cơ hội lớn, là nơi giao nhau của 3 tuyến cao tốc sắp hình thành: Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định “Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gần với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logisics ở Hậu Giang”.

Phá thế độc đạo

Cùng với sự chuẩn bị chu đáo cho các dự án cao tốc, Hậu Giang nhận được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, các bộ, ngành để phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều dự án đã và chuẩn bị đầu tư mở ra cơ hội mới, gia tăng tiềm lực thu hút, kêu gọi đầu tư, tăng cường liên kết giữa Hậu Giang với các địa phương trong khu vực. Đồng thời, mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông liên tỉnh, phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và logictics.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên khảo sát, chỉ đạo ưu tiên giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Cầu Xẻo Vẹt được đầu tư xây dựng mới hoàn toàn với kinh phí 77,4 tỉ đồng. Công trình có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Bạc Liêu và Hậu Giang. Đây cũng là công trình quan trọng, điển hình thể hiện mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, liên kết giữa 2 tỉnh, đáp ứng sự mong mỏi của Nhân dân, mở ra không gian, cơ hội phát triển cho khu vực vành đai huyện Hồng Dân và huyện Long Mỹ.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ cho biết, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang có vị thế tiếp giáp nhau, nhưng từ lâu lại bị chia cách bởi một dòng sông lớn. Việc giao thương, qua lại của người dân vì vậy cũng gặp nhiều hạn chế do phải lưu thông bằng phà. Cho đến khi cầu Xẻo Vẹt xây dựng hoàn thành đã đáp ứng tròn vẹn mong mỏi của bà con bấy lâu nay.

Để gia tăng tính kết nối, Đường tỉnh 931, giai đoạn 2 đang được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 400 tỉ đồng. Điểm đầu dự án kết nối vào điểm cuối dự án giai đoạn 1, tại thị trấn Vĩnh Viễn, điểm cuối kết nối vào cầu Xẻo Vẹt. Sau khi hoàn thiện sẽ hình thành toàn trục giao thông kết nối thẳng từ trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang đến huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, rút ngắn thời gian di chuyển cho các phương tiện, giảm áp lực lưu thông cho các tuyến đường hiện hữu.

Toàn tỉnh Hậu Giang đã có 6 tuyến Quốc lộ đi qua, 14 tuyến đường tỉnh, 44 tuyến đường huyện. Thời gian tới, nhiều dự án giao thông trọng điểm mang tính liên kết vùng với tổng mức đầu tư hàng ngàn tỉ đồng sẽ được triển khai như: Dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, Đường tỉnh 926B. Thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tuyến nối Vị Thanh - Cần Thơ (nay là Quốc lộ 61C) sẽ sớm được đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ theo TCVN 4054-2005. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.888 tỉ đồng, tương đương khoảng 168 triệu USD.

Tỉnh tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược, trước mắt ưu tiên triển khai 100km đường cao tốc đi qua địa bàn.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đây là dự án hết sức quan trọng với Hậu Giang thúc đẩy vấn đề liên kết vùng, giải quyết lưu thông giữa Hậu Giang và Cần Thơ cũng như các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Tuyến Quốc lộ 61C qua địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng về mặt kinh tế, chính trị nên việc đầu tư xây dựng tuyến đường là phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự án triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải ông Mai Văn Tân, kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng, là nền tảng, cần được ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh phải kết nối thuận lợi với mạng lưới đường cao tốc, đường quốc lộ trên địa bàn. Hoàn thành 2 tuyến cao tốc qua địa bàn với chiều dài khoảng 100km. Tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành và địa phương kiến nghị Chính phủ triển khai dự án đường bộ cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu trong thời gian tới.

Đồng thời, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống quốc lộ qua địa bàn. Đầu tư nâng cấp một số tuyến đường tỉnh đảm bảo kết nối hệ thống cao tốc, hệ thống quốc lộ, phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ logictics. Định hướng đến năm 2050, hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu để Hậu Giang trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ logictics của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thỏa mãn nhu cầu phát triển của các ngành lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu... Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có các tuyến đường bộ cao tốc. Với tổng chiều dài các dự án khoảng 865km và 729km đường bộ cao tốc thuộc Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 khi hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn tới, đồng thời sẽ đạt được mục tiêu có 3.000km đường bộ cao tốc đến năm 2025 và 5.000km đến năm 2030 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua.

 

NGỌC ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>