Đồng bào dân tộc Khmer nói không với nồng độ cồn khi lái xe

25/04/2023 | 09:00 GMT+7

Ngành chức năng, địa phương đã và đang đẩy mạnh nhiều biện pháp giúp nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (ATGT), nhất là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.

Ông Danh Nhọn (trái), người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, thường xuyên tuyên truyền quy định không lái xe khi đã uống rượu, bia.

Trước hết là đẩy mạnh tuyên truyền trong đồng bào dân tộc Khmer về tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; xử phạt tiền theo từng mức vi phạm nồng độ cồn… thông qua các cuộc họp hội, tập huấn. Bên cạnh đó, những vị sư sãi ở các chùa trên địa bàn tỉnh, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer còn quan tâm tuyên truyền khi phật tử đến chùa cúng bái vào các dịp lễ, tết, đám tiệc... Nhờ vậy, giúp nâng cao nhận thức của nhiều đồng bào dân tộc Khmer trong việc không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.

Qua nhiều năm tuyên truyền vấn đề này, ông Danh Nhọn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, ở khu vực 4, phường III, thành phố Vị Thanh, cho rằng, điều quan trọng trong công tác tuyên truyền đối với bà con là phải ân cần, gần gũi, khuyên giải. Biện pháp hiệu quả nhất là theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. “Bởi đồng bào dân tộc Khmer rất thật thà, nếu mình nói không khéo, họ sẽ không ưng bụng. Từ đó, chúng tôi thực hiện phương châm “nhẹ nhàng, chia sẻ”, nên dần dần đồng bào dân tộc Khmer tin tưởng, thực hiện theo”, ông Danh Nhọn nói.

Đơn cử như ông Danh Nghe, ở khu vực 4, phường III, do là phụ hồ, nên hơn một năm trước, sau giờ làm, ông thường xuyên uống rượu, bia rồi lái xe về nhà. Trong những lần như thế, không tránh khỏi té ngã vì không làm chủ được tay lái. Tuy nhiên, sau khi được ông Danh Nhọn đến tuyên truyền, vận động thường xuyên, ông Nghe hiểu và làm theo. “Uống rượu, bia mà lái xe, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn nguy hiểm đến tính mạng bản thân. Chẳng may bị thương tật thì làm khổ vợ con, nên hơn một năm qua, tôi không bao giờ lái xe khi đã uống rượu, bia. Tôi còn vận động con cháu cùng chấp hành nghiêm”, ông Nghe bày tỏ.

Tương tự, ông Danh Điệp, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cũng không còn điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã có rượu, bia trong người. Bởi theo ông Điệp, khi có nồng độ cồn trong người mà điều khiển phương tiện, nếu bị cảnh sát giao thông xử phạt thì tốn rất nhiều tiền, trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn; còn bản thân bị tai nạn sẽ ảnh hưởng đến vợ con chăm sóc, trường hợp gây tai nạn cho người khác thì hậu quả cũng không thể kể xiết. “Do đó, một là tôi uống rượu, bia thì không lái xe, còn lái xe thì không uống rượu, bia cho an toàn”, ông Điệp bộc bạch.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, những năm qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với ngành chức năng, địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể, cho ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT; tuyên truyền tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và những hậu quả do tai nạn giao thông gây ra… “Đáng biểu dương là số lượng đồng bào dân tộc Khmer vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tai nạn giảm đáng kể so với trước; xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông”, ông Trần Quốc Thẻo, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, thông tin thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trực quan về tác hại của rượu, bia khi lái xe; Nghị định 100 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nhất là mức phạt cụ thể đối với vi phạm nồng độ cồn đến đồng bào dân tộc Khmer để họ hiểu, chấp hành nghiêm quy định.

“Đặc biệt, chúng tôi tham mưu, đề xuất, kiến nghị với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xem xét việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trong đó có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông để xét công nhận gia đình văn hóa, người tốt việc tốt cuối năm. Qua đó, giúp cho việc chấp hành các quy định của pháp luật một cách thường xuyên, liên tục, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn”, ông Nguyễn Lâm Thành thông tin thêm.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>