Dấu ấn giao thông

30/12/2021 | 08:08 GMT+7

Năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã hoàn thành xuất sắc công tác xây dựng quy hoạch và là một trong số các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân chung của cả nước. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Hậu Giang triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Nhiều kết quả nổi bật

Theo Bộ GTVT, năm 2021 là năm khởi đầu của Kế hoạch trung hạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Bộ GTVT nỗ lực đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 67 dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, phê duyệt chủ trương đầu tư theo thẩm quyền 42/51 dự án nhóm B, C; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3/10 dự án nhóm A; trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng Quốc gia.

Công tác quản lý chất lượng, tiến độ các dự án được tập trung chỉ đạo xuyên suốt với phương châm tiến độ đảm bảo nhưng chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Đến hết tháng 1-2022, dự kiến kết quả giải ngân đạt trên 95%, đáp ứng kế hoạch của Chính phủ và là một trong những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.           

Tại hội nghị Tổng kết ngành Giao thông Vận tải năm 2021 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Bộ GTVT đạt được. Bộ đã hoàn thành xuất sắc 5 quy hoạch chuyên ngành, tạo tiền đề thu hút được đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả các chiến lược dài hơi. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải thường xuyên nắm bắt tình hình, chủ động kế hoạch, kịch bản thích ứng phù hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa. Các lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường sắt khi phục hồi các tuyến vận tải phải nắm chắc tình hình, phối hợp Bộ Y tế triển khai đồng bộ các giải pháp. Đặc biệt, khi phục hồi các tuyến bay phải có sự rà soát nhân lực, đánh giá chất lượng hoạt động các thiết bị sau thời gian nghỉ dịch.

Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021 tiếp tục có nhiều chuyển biến; nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đổi mới phương thức quản lý hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ GTVT cũng đã trình Chính phủ dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4/8 Nghị định, phê duyệt 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công bố và triển khai kịp thời các quy hoạch Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đảm bảo lưu thông thông suốt

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn phức tạp nhất của dịch Covid-19 vừa qua, nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19 để xử lý, tháo gỡ ngay vướng mắc, bảo đảm hoạt động vận tải lưu thông an toàn, thông suốt. Hướng dẫn tổ chức hoạt động vận tải tại các địa phương; đồng thời đề nghị các địa phương rà soát, thu hồi ngay các quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong vận chuyển lưu thông hàng hóa.

Để chủ động phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân trong dịp tết, mới đây, Bộ GTVT đã xây dựng, ban hành Kế hoạch vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022. Các địa phương cũng đã tổ chức triển khai chặt chẽ để đảm bảo cho người dân vui xuân, đón tết an toàn.

Tại Hậu Giang, Sở GTVT đã ban hành kế hoạch Tổ chức vận chuyển hành khách phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân trong dịp tết và lễ hội xuân. Tập trung các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022. Kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ cương, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, Sở đã sớm triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Tập trung yêu cầu các đơn vị trực thuộc đảm bảo giao thông được thông suốt để phục vụ Nhân dân đi lại. Tăng cường vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để kết nối với các loại hình vận tải khác, kịp thời giải tỏa hành khách tại các bến xe. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng phương án, kế hoạch phục vụ, bố trí phương tiện, đảm bảo thông suốt, an toàn trên các tuyến đường, không để hành khách không thể về quê đón tết do không có phương tiện vận chuyển.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, năm 2022, Bộ GTVT bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia để triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách gắn với phòng, chống dịch Covid-19, có kịch bản, tình huống chủ động nhất. Nâng cao việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, kiểm soát tốt chất lượng phương tiện vận tải, con người, đảm bảo đủ điều kiện điều khiển các phương tiện từ đường bộ, hàng hải, đường sắt đến hàng không.

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>