Dân kêu khó vì biển cấm xe tải trọng 2,5 tấn qua cầu Xẻo Mão

07/12/2022 | 08:49 GMT+7

Những ngày qua, người dân và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đi qua cầu Xẻo Mão, nằm trên tuyến Tỉnh lộ 930B nhiều phen lúng túng, vì biển hạn chế tải trọng toàn bộ xe từ 2,5 tấn trở lên đặt ngay đường dẫn lên cầu. Đã có nhiều ý kiến không đồng tình về tính hợp lý của biển báo và mong muốn có giải pháp hiệu quả hơn. 

Cầu Xẻo Mão trên tuyến Đường tỉnh 930B ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tải trọng chỉ 2,5 tấn gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Nhiều bất tiện

Có mặt tại cầu Xẻo Mão, nằm trên tuyến Tỉnh lộ 930B, tuyến đường huyết mạch dẫn vào xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang và xã Vĩnh Tuy của huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, phóng viên không khó bắt gặp hình ảnh nhiều tài xế phải quay đầu tìm hướng khác khi nhìn thấy biển báo tải trọng tối đa 2,5 tấn đặt ở đường dẫn lên cầu.

Trao đổi với phóng viên, anh Trần Việt Hải, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho biết từ ngày có đặt biển báo, việc tiêu thụ hàng hóa của anh gặp nhiều trở ngại. Nếu như trước kia, xe tải có thể vào tận vườn để nhận hàng, còn giờ đây anh Hải phải thuê xe nhỏ vận chuyển ra đường lớn có nhân công bốc dỡ lên xe tải lớn.

“Bây giờ hàng ra lần 4-5 tấn, xe vận chuyển có 750kg/lượt nên phải đi nhiều lần, tốn rất nhiều chi phí. Tôi thấy biển báo rất bất cập, cầu to, nguyên tuyến Tỉnh lộ 930B các cầu có biển tải trọng từ 8-13 tấn, riêng cầu Xẻo Mão chỉ có 2,5 tấn, gây rất nhiều trở ngại. Bởi đây là tuyến đường huyết mạch đi xuống chợ Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ là chủ yếu, rồi đi xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Trục lộ liên tỉnh mà đặt biển tải trọng 2,5 tấn thì gây khó khăn cho nhiều địa phương”.

Cùng quan điểm này, tài xế Nguyễn Minh Thảo, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Tôi cảm thấy bất tiện. Xe của tôi chưa có hàng hóa đã hơn 3 tấn. Từ Long Mỹ về Lương Nghĩa phải qua cầu Xẻo Mão, cấm đường đó rồi không còn đường nào đi được. Doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn, không nhập hàng mua bán về được, nếu chuyển về tới cầu bốc xếp thì chi phí đội lên, khó cạnh tranh”.

Được biết, việc ngành chức năng đặt biển cảnh báo tải trọng 2,5 tấn cầu Xẻo Mão cách đây không lâu. Điều này, gây khó khăn cho hoạt động vận tải hàng hóa của địa phương và doanh nghiệp. Còn đối với các hộ kinh doanh vận tải, bên cạnh chi phí xăng dầu thì giờ họ còn phải gánh thêm chi phí bốc xếp, thuê nhân công và có khi cả xe tải trọng nhỏ hơn.

Tài xế Lư Oanh, lắc đầu ngao ngán: “Tôi chở thức ăn thuê cho người ta, xác xe đã 2,5 tấn rồi. Nếu chở về tới cầu phải xuống hàng, qua bên kia cầu lên hàng lại, khoảng 2-3 ngày vận chuyển một lần, kiểu này chắc nghỉ chạy thuê luôn, vì chi phí quá cao”.

Còn đối với anh Trần Văn Tuấn, kinh doanh vật liệu xây dựng ở xã Lương Nghĩa, biển báo cấm như một nút thắt cổ chai cho kinh tế địa phương. Bởi lẽ, sẽ khó có doanh nghiệp hay hộ kinh doanh nào bỏ tiền đầu tư mà “lộ chưa thông, tài chưa thông”.

“Giờ đặt biển báo đó, xe không xuống được, không thể nhập hàng, không có bãi tập kết hàng nữa. Giữa đường giữa sá sao sang xe được? Ví dụ nhập sắt về, cây sắt dài 6m, xe tải thùng có 2,8m sao mà dám sang sắt chở về. Chi phí đội lên rất nhiều, nào là tiền nhân công, chi phí xăng dầu, chạy tới chạy lui sao chịu nỗi. Lộ hư chỗ nào thì sửa chỗ đó, chứ cắm biển báo kiểu này thì doanh nghiệp còn làm ăn gì được nữa”, anh Tuấn bày tỏ.

Trông chờ ngành chức năng

ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng có nhiều kênh rạch chằng chịt. Việc có được một cây cầu bắc qua kênh là nỗ lực rất lớn của chính quyền, người dân địa phương và cả mạnh thường quân. Nhờ vậy việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của con em, người dân… được thuận tiện hơn rất nhiều. Đó là chưa kể việc kết nối giao thương, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các địa phương trong vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Thế nhưng, có một thực tế xảy ra là một số tuyến đường và cầu khi đưa vào sử dụng thời gian dài đã bị xuống cấp, không ít những vụ tài xế chở hàng cố tình cho xe đi qua cầu tải trọng thấp, khi trên xe đang chở hàng có trọng lượng gấp nhiều lần khiến cầu bị sập. Điều này làm dấy lên nỗi bất an cho không ít người dân và địa phương, nên ở góc độ nào đó, việc đặt biển này cũng là điều dễ hiểu.

Dẫu vậy, “lộ thông, tài mới thông”, với những gì chia sẻ của các doanh nghiệp, cánh tài xế ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho thấy việc đặt biển tải trọng 2,5 tấn qua cầu Xẻo Mão đã vô tình gây khó cho người dân, phát sinh nhiều bất cập. Nhất là khi chuyện mua bán cũng bị đứt gãy, trong khi đó Tết Nguyên đán đang đến gần. Người dân và cánh tài xế rất mong ngành chức năng sớm xem xét, có câu trả lời thỏa đáng. Về lâu dài cần có giải pháp phù hợp, đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa vực dậy vùng đất phèn, mặn còn nhiều khó khăn của huyện Long Mỹ.

Đem thắc mắc của người dân liên hệ với ông Lê Thanh Việt, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, phóng viên Báo Hậu Giang được ông Việt cho biết: Sở đang liên hệ với huyện Long Mỹ trả lời qua App Hậu Giang, khi có sẽ cung cấp thông tin.

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>