Bứt phá hạ tầng giao thông

01/02/2023 | 08:02 GMT+7

Bài 2: Đại lộ về đồng bằng

Hòa chung khí thế hân hoan của ngày đầu năm mới 2023,  12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 đồng loạt khởi công. Sự kiện này đánh dấu chặng đường nỗ lực mới, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước.

Đại lộ sinh đại phú

Lễ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần Dự án công trình Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông diễn ra đúng vào ngày đầu tiên của năm mới 2023. 3 điểm cầu chính được tổ chức tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nam bộ). Đây là sự kiện lớn thể hiện khí thế thi đua lao động sôi nổi trong ngày đầu tiên của năm mới 2023, mang quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Chính phủ cùng sự đồng lòng của Nhân dân nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công một trong 3 đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Tại Hậu Giang, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài gần 38km đi qua địa bàn Cần Thơ, Hậu Giang. Dự án có điểm đầu giao với đường Nam Sông Hậu, điểm cuối tại huyện Vị Thủy, Hậu Giang. Tổng mức đầu tư của đoạn này trên 10.000 tỉ đồng và được đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh: “Đại lộ sinh đại phú”. Hậu Giang xác định dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau sẽ là cơ hội để tỉnh bứt tốc phát triển trong thời gian tới. Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cấp ủy các cấp phát huy tốt vai trò trong triển khai dự án, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Huyện ủy của các huyện có dự án đi qua làm trưởng ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. MTTQ và các tổ chức chính trị trong tỉnh phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền vận động người dân. Trên cơ sở đó, tạo được đồng thuận rất cao với chủ trương của tỉnh và Trung ương trong quá trình triển khai dự án.

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng: Nếu như ĐBSCL là “vùng trũng” về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ của cả nước thì Cà Mau là một trong những địa phương còn yếu về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ so với các tỉnh trong vùng. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khi hoàn thành sẽ có sức lan tỏa cao, tạo động lực mạnh mẽ kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho toàn khu vực, trong đó có Cà Mau.

Hòa chung không khí phấn khởi ngày đầu năm mới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng vui mừng cho biết: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa rất quan trọng, tạo sự đột phá góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình nói riêng và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung. Tại Quảng Bình, dự án bao gồm 3 dự án thành phần với chiều dài 126km. Trong bối cảnh Quảng Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố tiềm năng và đang tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá, và là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cho tỉnh cũng như cả nước.

Trách nhiệm “đi trước mở đường”

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Năm 2023 là năm bản lề quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chương trình phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do vậy hơn lúc nào hết, ngành giao thông vận tải xác định phải phát huy vai trò, truyền thống đi trước mở đường, vượt nắng, thắng mưa, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức, nỗ lực quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2023. Tạo tiền đề đến năm 2025, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của ngành, trong đó có dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, gắn với công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cột mốc khởi công 12 dự án thành phần chỉ là bước khởi đầu. Điều quan trọng là sau đó cần nỗ lực phấn đấu, nhanh chóng triển khai xây dựng, để đảm bảo đúng tiến độ, đồng thời nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để giải ngân nguồn vốn. Vì vậy, đề nghị mỗi nhà thầu, mỗi doanh nghiệp, mỗi người thợ và từng người dân cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm cao, sát cánh cùng các cơ quan quản lý để tổ chức thực hiện nhanh nhất, tốt nhất, chất lượng nhất công việc trên hiện trường, không kể ngày đêm, không kể ngày lễ, ngày tết, ngày nghỉ để hoàn thành khối lượng công việc đã ký kết.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn nhất phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới.

Phát biểu tại sự kiện khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, phải đầu tư xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000-2020, khoảng 1.000km. Đây là nhiệm vụ khó khăn, song Thủ tướng tin tưởng với kinh nghiệm đã có, quyết tâm, nỗ lực, sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, cùng với nhiều tuyến cao tốc khác đang được đầu tư trên khắp cả nước, trong đó có ưu tiên cho các vùng khó khăn như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Dự án là mong mỏi lớn của Nhân dân ta, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, xã hội với đất nước, với mọi người dân trên mọi miền cả nước.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 2.063km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô lớn, vai trò động lực, tác động lan tỏa mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh canh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới.

 

Bài, ảnh: NGỌC ANH

Bài 3: Trên “đại công trường” cao tốc Bắc – Nam

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>