Nghệ thuật làm mô hình món ăn ở Nhật Bản

25/04/2017 | 07:54 GMT+7

Ẩm thực Nhật Bản thường có nhiều món đặc sản nổi tiếng gắn liền với địa phương, nhưng thành phố Gujo, tỉnh Gifu thì lại khác, nơi này nổi tiếng bởi ngành chế tạo ra các món không thể ăn được - mô hình món ăn.

Mô hình món ăn được thực hiện tỉ mỉ và công phu, khó phân biệt với đồ thật. Nguồn: PINTEREST

Bước vào các nhà hàng Nhật, thực khách thường thấy những mô hình món ăn bày ở lối ra vào. Những mô hình bắt mắt này làm khách dễ chọn món ăn hơn, nhất là với những món ăn lạ, khó tưởng tượng nếu chỉ đọc tên. Những mô hình thức ăn xuất hiện đầu tiên vào năm 1917. Sau đó, một nhà hàng ở Tokyo đã sử dụng những mô hình thức ăn bằng sáp để trưng bày và doanh thu của họ tăng một cách ngoạn mục. Ryuzo Iwasaki nhìn thấy tiềm năng của ngành này và đã đi tiên phong bằng việc mở cửa hàng cung cấp các bản sao thực phẩm ở Osaka vào năm 1932. Khi đã gặt hái nhiều thành công, ông trở về kinh doanh ở quê nhà thành phố Gujo thuộc tỉnh Gifu, nơi sau này trở thành “đế chế” của ngành chế tạo món ăn giả, có lúc chiếm lĩnh đến 80% thị trường. Làm mô hình đồ ăn giả cũng trở thành ngành mang lại lợi nhuận tỉ yên ở Nhật.

Các mô hình thức ăn được thực hiện thủ công và không có giới hạn ở loại thức ăn nào. Sushi, thịt, cá, mì, bánh ngọt, rau, quả… đều có thể làm giống đồ thật đến mức khó phân biệt. Bắt đầu với một món ăn thật do nhà hàng hoặc khách hàng cung cấp, chi tiết hơn có thể thêm các bản phác thảo chính xác vị trí của các mẫu sẽ được trưng bày. Các loại thức ăn được đặt trong hộp và đổ đầy silicon lên để tạo khuôn. Khi silicon cứng lại, khuôn mẫu thức ăn đã sẵn sàng, nhựa lỏng được đổ vào khuôn sau đó mang đi nung. Trước đây, chất liệu thường dùng là sáp nhưng dần bị thay thế bằng nhựa bởi độ bền cao hơn, giữ được màu sắc, hình dáng tốt. Khi hình dáng đã hoàn chỉnh, công việc cuối cùng là sơn, phun màu để có bên ngoài giống nhất. Tạo hình giống hay không đều nhờ vào độ tỉ mỉ, quan sát tinh tế và tay nghề của những người thợ thủ công có được qua rất nhiều lần thử và rút kinh nghiệm. Kỹ thuật làm từng món được hoàn thiện qua nhiều năm chế tạo. Món đơn giản có thể mất 1 năm còn những món phức tạp có thể mất 2, 3 năm để thuần thục. Không gì ngạc nhiên khi nhiều người làm mô hình là phụ nữ, những người thường gắn liền với công việc nội trợ, mua sắm.

Dù tốn nhiều thời gian, công sức để chế tạo và giá thành không hề rẻ, các mô hình không chỉ phổ biến ở lĩnh vực thực phẩm mà còn được dùng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác như quảng cáo, nghiên cứu thị trường, nhiếp ảnh, giáo dục… Thực tế, tại các nhà hàng, quán ăn những mô hình món ăn sống động và hấp dẫn trưng bày sau cửa kính chắc chắn minh họa hiệu quả và thu hút khách hàng hơn nhiều so với hình ảnh trên thực đơn thông thường.

THIÊN NGỌC (tổng hợp từ Japanzine, Japan Info, Great big story)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>