Nâng tầm ẩm thực quê hương

18/07/2022 | 08:53 GMT+7

Đã 2 lần Hậu Giang tổ chức Hội thi ẩm thực “Hương sắc Hậu Giang” và 3 lần tổ chức Hội thi bánh dân gian, đã có hàng trăm món bánh, món ăn gắn với nét sinh hoạt của người dân vùng đất này được các nghệ nhân, đầu bếp chế biến với bàn tay khéo léo, tài hoa và đầy sáng tạo, góp phần nâng tầm ẩm thực quê hương.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao công nhận việc lập các kỷ lục từ cá thát lát và khóm, đây cũng là cách giúp ẩm thực Hậu Giang vươn tầm.

Nơi để nghệ nhân thể hiện niềm tự hào, đam mê

Hơn 30 năm gắn bó với nghề làm bánh dân gian, nghệ nhân Phạm Thu Thủy, ở xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, chưa bao giờ vắng mặt ở các cuộc thi làm bánh dân gian do tỉnh tổ chức. Bà còn không ít lần đại diện Hậu Giang tham gia cuộc thi cấp khu vực và đạt thứ hạng cao. Nghệ nhân Thu Thủy chia sẻ: Hơn 30 năm gắn bó với nghề, bà làm được hầu hết các loại bánh dân gian Nam bộ, nhưng bà thích và làm ngon nhất chính là bánh bông lan. Đây là món bánh gia truyền, bà có dịp xem mẹ mình làm từ hồi nhỏ, rồi tập tành làm. “Đến với hội thi lần này, tôi sáng tạo món bánh bông lan nhân mứt khóm, tận dụng sản vật quê mình để làm cho bánh bông lan không chỉ có vị truyền thống, mềm, mịn, mà còn có thêm hương thơm, dẻo và ngọt nhẹ của mứt khóm. Tôi hy vọng món bánh này sẽ làm cho người thưởng thức thấy thú vị”.

Đây là một trong hàng trăm món bánh được các nghệ nhân đến từ khắp nơi trong tỉnh thực hiện bằng tất cả sự khéo léo, sáng tạo, cùng góp phần giới thiệu, quảng bá món ăn đậm vị quê nhà đến với mọi người.

Đến với không gian ẩm thực lần này, mọi người sẽ thấy nhiều món ăn gần gũi, thân quen, từ mặn đến ngọt, như bánh tầm bì, bánh xèo, bánh mặn, bánh tét, bánh ú, bánh đúc, bánh bèo, bánh chuối, bánh da lợn, bánh khoai lang nướng… Với người thưởng thức, đã say mê, với những người làm bánh, niềm say mê còn tăng gấp bội. Hương thơm ngọt ngào của từng loại bánh cộng với sử dụng màu tự nhiên từ rau, củ, quả, tạo nên những màu sắc nhẹ nhàng mà lôi cuốn, quyến rũ người đến xem và ăn, lưu lại cho mình chút dư vị của những loại bánh mang đậm hồn quê. Có lẽ chính sự mộc mạc đã giúp từng loại bánh luôn gợi nhớ đong đầy ký ức, những món bánh ấy vẫn luôn được gìn giữ với nhiều cách khác nhau, để có dịp là làm và giới thiệu để mọi người cùng thưởng thức, sáng tạo để khoác lên những chiếc bánh quê nhịp sống hiện đại với màu sắc bắt mắt, nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống…

Tạo sản phẩm du lịch từ ẩm thực

Ẩm thực chính là cách tốt nhất để quảng bá đặc sản quê hương. Trong khi du lịch Hậu Giang vẫn chưa có nhiều sản phẩm thu hút, thì đây cũng là cách để giới thiệu về Hậu Giang với những món ăn đậm vị, mang nét riêng độc đáo của miền sông nước Hậu Giang. Anh Nguyễn Hùng Tấn, Dịch vụ nấu ăn Hùng Tấn, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, hồ hởi: “Lần thi nấu ăn này, có một điều mình phải tập trung nghiên cứu, đầu tư những món ăn quen thuộc mà thiệt ngon làm từ cá thát lát và khóm. Tôi ý thức rằng không chỉ thi nấu ăn như những lần trước, mà mình còn góp phần tạo nên kỷ lục Việt Nam, góp phần đưa ẩm thực Hậu Giang vươn tầm”.

Suy nghĩ của anh Tấn cũng là tâm tình của hơn 100 đầu bếp khác đến từ 53 đội, đều là những người thợ khéo léo, cần mẫn, đầy tâm huyết, mong muốn từng bước tạo nên những món ăn ngon, đậm vị, mang nét riêng của vùng sông nước Nam bộ nói chung, Hậu Giang nói riêng. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: “Đó cũng là lý do chúng tôi quyết tâm thực hiện chế biến và công diễn các món ăn từ cá thát lát và khóm nhiều nhất Việt Nam. Tin rằng hai đặc sản của Hậu Giang sẽ tiếp tục được nhiều người biết đến, góp phần tạo nên điểm khác biệt thu hút du khách đến với Hậu Giang trong thời gian tới”.

Ông Lê Công Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kỷ lục gia ẩm thực Việt Nam, cho biết: Ông rất ấn tượng khi Hậu Giang mạnh dạn chọn hai đặc sản khóm và cá thát lát, chế biến và công diễn để lập kỷ lục Việt Nam. Mỗi đội có 4 món, trong đó bắt buộc hai món phải làm từ cá thát lát và khóm, đã không làm khó được các đầu bếp, mà còn giúp họ thăng hoa trong sáng tạo các món ăn không những ngon mà còn đa dạng, bắt mắt. Cả nước không có nhiều nơi lập kỷ lục này và Hậu Giang vẫn nằm trong tốp đầu những địa phương tiên phong khai thác và giới thiệu ẩm thực. Như Phú Quốc với những món ăn từ cá trích, Đồng Tháp với những món ăn từ sen và Bến Tre với những món ăn từ dừa. Đây chính là điều tạo nên sự khác biệt rất riêng để thu hút những du khách tìm đến, nhất là những người thích khám phá ẩm thực.

Khai thác thế mạnh ẩm thực là một trong những nội dung Hậu Giang hướng đến trong hành trình xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch đặc thù. Từ đó, các hội thi này không chỉ tạo sân chơi, là nơi để các đầu bếp, nghệ nhân thể hiện tài năng, bản lĩnh trong chế biến món ăn, mà còn góp phần nâng tầm ẩm thực Hậu Giang lên một bước mới, vang xa, bay xa…

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận 2 kỷ lục từ khóm và cá thát lát Hậu Giang

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đã nhận bằng công nhận xác lập 2 kỷ lục từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS), liên quan đến ẩm thực Hậu Giang là chế biến và công diễn các món ăn từ cá thát lát, khóm nhiều nhất Việt Nam. Hàng chục nghệ nhân, đầu bếp đến từ các đơn vị, địa phương, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh đã trải qua Hội thi ẩm thực “Hương sắc Hậu Giang” với việc sáng tạo, thực hiện và trình bày nhiều món ăn liên quan đến hai đặc sản này. Tổng cộng có 218 món ăn từ cá thát lát, khóm được thực hiện, vượt xa kỳ vọng ban đầu chỉ là 200 món ăn từ hai đặc sản này.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>