Những giá trị mang tính phổ biến và tính đặc thù trong lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội qua hơn 35 năm đổi mới
Những phát triển lý luận của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã chứa đựng những giá trị mang tính phổ biến, đồng thời thể hiện rõ tính đặc thù Việt Nam. Bài viết bước đầu khái quát những giá trị nổi bật nhất trong lý luận của Đảng ta chứng tỏ tính phổ biến, chung của các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và tính đặc thù về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
1. Những giá trị lý luận mang tính phổ biến về chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam tìm tòi, đóng góp từ công cuộc đổi mới
Một là, giá trị lý luận mang tính phổ biến từ nhận thức về đặc trưng của CNXH ở Việt Nam
Thông qua thực tiễn đổi mới của Việt Nam và xu thế chung của thế giới, soi chiếu với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy: quan niệm của Đảng ta về đặc trưng của CNXH ở Việt Nam hiện nay đã đóng góp nhiều giá trị lý luận mang tính phổ biến và được nhiều đảng cầm quyền thừa nhận. Các giá trị đó được phản ánh trong các văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, tập trung nhất ở Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và gần đây là tác phẩm mang tính tổng kết lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nhìn một cách khái quát nhất, các giá trị lý luận mang tính phổ biến về đặc trưng của CNXH ở Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, những giá trị gắn liền với khát vọng của nhân loại về một kiểu tổ chức xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh”. Hiển nhiên, trình độ và chất lượng cũng như cách thức triển khai các giá trị này có mang những tính chất của quốc gia dân tộc và gắn liền với những điều kiện lịch sử của thời đại và đất nước, nhưng những giá trị này rõ ràng mang tính phổ quát, tính xuyên suốt trong lịch sử nhân loại và hiện nay chúng là mục tiêu phấn đấu của mọi nền chính trị.
Thứ hai, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Đây cũng là bài học kinh nghiệm hàng đầu trong quá trình tổng kết sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đã đúc kết.
Thứ ba, quan niệm về những giá trị đích thực của CNXH trong phát triển hiện nay, như cách diễn đạt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”(1).
Nhìn chung, có thể thấy, có nhiều nét tương đồng trong quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam về các giá trị cơ bản của CNXH ở một số nước hiện nay. Mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc là: đến giữa thế kỷ này hoàn thành xây dựng cường quốc XHCN hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp. Mục tiêu của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là: CNXH ở Lào được hiểu là xã hội dân giàu, hạnh phúc, đất nước cường mạnh, xã hội đoàn kết hòa thuận, dân chủ, công bằng và văn minh. Đảng Cộng sản Cuba khẳng định mục tiêu: xây dựng một xã hội lành mạnh, bình đẳng, công bằng; một xã hội mà con người là trung tâm, mọi tầng lớp, đối tượng đều được quan tâm; không được xa rời lý tưởng về công bằng và bình đẳng của cuộc cách mạng, cũng không được làm suy yếu khối đoàn kết toàn dân chung quanh Đảng, với nguyên tắc nhất quán rằng Cuba sẽ không bao giờ cho phép áp dụng các biện pháp gây tổn hại đến tầng lớp nhân dân yếu thế nhất hay để một ai bị bỏ lại trong tình trạng không nơi nương tựa.
Hai là, giá trị lý luận mang tính phổ biến về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam
Qua những khái quát lý luận về chủ thể, lực lượng, động lực, biện pháp, nhiệm vụ... xây dựng CNXH và các định hướng lớn về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được phản ánh trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 cùng những phân tích của Tổng Bí thư về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, có thể thấy được các giá trị phổ biến và tiêu biểu sau:
Chủ thể và các động lực trong xây dựng CNXH ở Việt Nam có tính đồng dạng, phổ biến trên nhiều phương diện. Tiêu biểu là các nhận thức: “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”(2). Các giai tầng cơ bản cấu thành nên phạm trù “nhân dân” ở đây là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân..., những công dân trong nền pháp quyền XHCN Việt Nam. Động lực thúc đẩy họ hành động là các lợi ích của cá nhân, của tập thể, của xã hội; định hướng cho hệ động lực ấy là xử lý hài hòa các lợi ích đó để bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ công dân.
Về biện pháp xây dựng CNXH, tiếp thu những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản một cách “có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”(3). Theo đó, Việt Nam đã vận dụng những công cụ phổ biến mà nhân loại đã sử dụng để xây dựng xã hội văn minh hiện đại như công nghiệp hóa, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền...
Về lĩnh vực và nhiệm vụ, xây dựng CNXH ở Việt Nam là xây dựng một mô hình xã hội tổng thể trong một hình thái kinh tế - xã hội, bao gồm quá trình cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tính chất XHCN và định hướng XHCN trong khi thực hiện các nhiệm vụ này không đối lập, “biệt phái” với những giá trị của lịch sử, mà đặt ra nhiệm vụ vừa kế thừa, vừa sáng tạo. Với cách nhìn như vậy, xây dựng CNXH trên thế giới và xây dựng CNXH ở Việt Nam đều nằm trong dòng chảy của văn minh nhân loại.
Tóm lại, tính phổ biến trong quan niệm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là một giá trị mới mà nhận thức lý luận đạt được trong hơn 35 năm qua. Nó phản ánh nỗ lực vượt qua những quan niệm có phần “ấu trĩ” và “biệt phái” mắc phải trước đây. Nó thể hiện những nhận thức khoa học, phù hợp xu thế thời đại và cũng là một đóng góp của Đảng Cộng sản Việt Nam vào lý luận của CNXH hiện nay.
2. Tính đặc thù của lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Một là, tính đặc thù của lý luận về đặc trưng của CNXH ở Việt Nam
Nếu hiểu tính đặc thù là những đặc tính, đặc điểm nổi bật tạo ra sự phân biệt giữa sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác, thì tính đặc thù của lý luận về CNXH ở Việt Nam khu biệt với các lý luận này ở các nước khác ở chỗ: nó là sự vận dụng những lý luận phổ quát để giải quyết những nhu cầu thực tiễn đặc thù trong tiến trình đổi mới tư duy về CNXH và biện pháp xây dựng CNXH trong đổi mới.
Mô hình CNXH của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở lý luận chung của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với sự bổ sung những đặc trưng riêng có, phù hợp với bối cảnh lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và định hướng XHCN ở Việt Nam. Nó khắc phục những rập khuôn, máy móc của mô hình CNXH trước đây vốn mang những dáng dấp của mô hình CNXH kiểu cũ hoặc mô hình Liên Xô. Nó cũng tiếp cận với những nhận thức khoa học mới về một số lĩnh vực như kinh tế (vận dụng kinh tế thị trường, công nghiệp hóa kiểu mới...), chính trị (xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển dân chủ...). Nó cũng hội nhập với một số xu thế thời đại như toàn cầu hóa, phát triển bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng...
Điểm qua một số lĩnh vực nhận thức như trên để thấy, lý luận về đặc trưng mô hình CNXH ở Việt Nam có tính đặc thù là do sự quy định của mảnh đất hiện thực Việt Nam, tuy không phải là đặc hữu, duy nhất, dị biệt...
Hai là, đặc thù trong nhận thức về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là xử lý dần từng bước quan hệ giữa cái phổ biến và cái đặc thù
Quá trình này thể hiện ở ba bước sau:
Bước thứ nhất: cái đặc thù dần được nhận thức rõ, được chú trọng và khi phát huy tác dụng thì làm rõ cái phổ biến; ở mức độ nhất định, cái đặc thù đang dần thể hiện cái đặc trưng của cái phổ biến
Có thể thông qua nhận thức về kinh tế thị trường ở Việt Nam để thấy điều này. Ở đầu thời kỳ đổi mới, nó còn được coi như một trường hợp đặc thù trong xây dựng XHCN (trường hợp Nam Tư trong những năm 1947 - 1991). Qua sự kiểm chứng của thực tiễn (dần xóa bỏ bao cấp, thực hiện cơ chế khoán trong nông nghiệp...) và đổi mới tư duy (điển hình là các nhận thức: thị trường và kinh tế thị trường không phải là cái riêng có của chủ nghĩa tư bản mà là thành tựu chung của văn minh nhân loại, CNXH có thể vận dụng kinh tế thị trường và có thể định hướng, điều tiết nó...), kinh tế thị trường đã được nhận thức lại và hiện đang trở thành quy luật phổ biến ở nhiều nước dưới các khái niệm “kinh tế thị trường XHCN” ở Trung Quốc hoặc “kinh tế thị trường định hướng XHCN” ở Việt Nam. Đảng ta đã khẳng định: “Để đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(4). Với quan niệm này, kinh tế thị trường đã trở thành một trong những công cụ để xây dựng CNXH.
Như vậy, ở Việt Nam, cái đặc thù qua đổi mới tư duy kinh tế về kinh tế thị trường đã tiếp hợp được với cái phổ biến (trong thời kỳ quá độ lên CNXH, kinh tế thị trường là quy luật vận hành của nền kinh tế có nhiều trình độ về lực lượng sản xuất và nhiều thành phần kinh tế). Nó cũng được thể hiện ở nhiều lĩnh vực: phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác thông qua phúc lợi xã hội; tách chức năng quản lý hành chính của nhà nước khỏi chức năng quản lý kinh doanh của doanh nghiệp...
Bước thứ hai: cái phổ biến thể hiện ra qua các trường hợp đặc thù. Nó có xu hướng sinh động hóa về biểu hiện, nhưng luôn tự khẳng định vai trò quy luật, nguyên lý của mình khi bị vi phạm
So với trước khi tiến hành đổi mới, cái phổ biến đã sinh động hơn về sắc thái và lĩnh vực biểu hiện, song nhìn xa và sâu hơn nữa thì chính những sắc thái ấy lại chính là sự trở lại và vận dụng sáng tạo những nguyên lý gốc. Chúng ta đã từng tự phê phán quan điểm xơ cứng, tách rời một cách siêu hình sự phát triển và tác động qua lại giữa CNTB và CNXH. Đổi mới đã từng bước khắc phục những lệch lạc trên. Điển hình là quan điểm về bỏ qua những gì và tiếp thu những gì của CNTB mà Đại hội IX của Đảng đã nêu, trong đó có những nguyên lý mà V.I.Lênin đã nêu từ chính sách kinh tế mới (NEP). Người đã từng nhấn mạnh tới việc người cộng sản phải biết học tập cách quản lý các tơrớt của Mỹ, đường sắt của Đức - Phổ; rằng, người cộng sản cũng phải biết học buôn bán và phải rèn luyện bản lĩnh của một thương nhân thông minh và có học... Cái phổ biến ở đây chính là tính hướng đích XHCN, là những tính chất XHCN của các hiện tượng cụ thể.
Bước thứ ba: gắn bó cái phổ biến và cái đặc thù làm cho chúng tham gia và chuyển hóa, thâm nhập vào nhau trong quá trình đổi mới
Trong thứ tự ưu tiên dường như có sự phân biệt nhất định, song thực ra, cái phổ biến và cái đặc thù luôn gắn bó với nhau. Thời kỳ đầu của tìm tòi đổi mới, cơ sở lý luận vẫn là những nguyên lý của CNXH khoa học, nhưng cái đặc thù của thực tiễn Việt Nam được nhấn mạnh như một sự khẳng định quyết tâm vượt thoát khỏi nếp tư duy bị ảnh hưởng bởi tư tưởng bảo thủ và giáo điều.
Tình thế và bối cảnh thế giới vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ XX vừa đặt vấn đề buộc phải cách mạng, tức là phát huy tối đa nội lực, khả năng sáng tạo trên mảnh đất hiện thực Việt Nam. Nó khuyến khích những nguồn năng lượng mới từ sáng tạo, “bung ra”, “đột phá”. Đó chính là điều kiện thuận lợi và cũng là tiền đề khách quan để nhận thức đúng cái đặc thù của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Khi đổi mới đã qua một chặng đường và dần đi vào chiều sâu thì tư duy của Đảng ta theo đúng quy luật, làm rõ hơn nữa những câu hỏi cơ bản nhất: CNXH ở Việt Nam là gì (biểu hiện của cái đặc thù), nó có mối liên hệ nào với nhận thức mới về CNXH khoa học (cái phổ biến)?... Có nghĩa là, cái phổ biến, tính quy luật và tính nguyên lý chưa bao giờ tách rời khỏi những trường hợp đặc thù. Chỉ khi xác định rõ và đúng cái phổ biến ấy thì những tìm tòi, đổi mới hay việc xác định những con đường, cách thức đặc thù đi lên CNXH mới mang đủ ý nghĩa khoa học, sáng tạo của nó.
Do đó, khi nhìn lại từng chặng của đổi mới, vào những thời điểm quan trọng, tư duy lý luận của Đảng ta cùng với trí tuệ cả dân tộc lại hướng quan tâm về những đặc trưng của CNXH ở Việt Nam. Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 ra đời ở những thời điểm như vậy.
Xét về quá trình phát triển tư duy, lý luận về CNXH ở Việt Nam đã vận động từ cái phổ biến (chủ nghĩa Mác - Lênin) để dần hình thành những nhận thức mới về cái đặc thù của Việt Nam khi thực hiện những quy luật chung.
Trong quá trình tìm những cách thức, lối đi phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, từng bước Đảng ta lại thấy sự trở lại thông qua khẳng định cái phổ biến, những quy luật chung của nhân loại, của CNXH khoa học. Đó là sự trở lại trên cơ sở thấu hiểu sâu sắc hơn tư tưởng của V.I.Lênin: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”(5).
_________________
(1), (3) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.21-22, 25.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.65.
(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.65, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.178.
(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.30, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.160.
PGS, TS NGUYỄN AN NINH (Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Theo lyluanchinhtri.vn
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
- Báo Hậu Giang điểm tin sáng 11-9: Lũ lụt tàn phá nặng nề miền Bắc, lũ quét vùi lấp cả một thôn ở Lào Cai
- Tiếp sức học sinh đến trường
- Mục tiêu quan trọng trong năm học mới
- Mobifone tỉnh Hậu Giang đồng hành cùng chuyển đổi số trong giáo dục với chủ đề “Tối ưu hóa quá trình học tập với mobiEdu”
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Gần 1.000 người cao tuổi được khám sức khoẻ, tầm soát bệnh phong - da liễu
- Trao quyết định quân hàm sĩ quan năm 2024
- Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Hậu Giang tham quan vườn măng cụt trăm tuổi
- Giận quá mất khôn…
- Từ ngày 1-7: VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính
- Người thợ mộc khiếm khuyết không đầu hàng số phận
- Vùng mặn đổi đời
- Hân hoan mừng khai giảng !
- Quan tâm tạo cảnh quan môi trường
- Trị “căn bệnh” mua bán lấn chiếm
- Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi, động viên, tặng quà cho kỹ sư, công nhân thi công cao tốc
- Khẩn trương giúp dân khắc phục thiệt hại do lốc xoáy gây ra
- Những hành vi tiềm ẩn tai nạn giao thông