Phòng bệnh thường gặp vào mùa hè cho trẻ

03/06/2020 | 04:03 GMT+7

Mùa hè thời tiết hanh khô, thường xuyên xuất hiện những cơn mưa rào tạo điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh phát triển và bùng phát mạnh mẽ. Các bệnh thường gặp vào mùa hè chủ yếu là bệnh thủy đậu, bệnh tay - chân - miệng, sởi,... Vậy làm cách nào để phòng, tránh cho trẻ? Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Nam (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Ngã Bảy, xoay quanh cách phòng những bệnh thường gặp mùa hè cho trẻ.

Để phòng bệnh tay - chân - miệng cho trẻ thì các gia đình cần làm gì, thưa bác sĩ ?

- Bệnh tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxsackieviruses và Enterovirus 71 gây ra. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Trước nguy cơ trẻ dễ mắc các bệnh thường gặp vào mùa hè, các gia đình cần tích cực thực hiện các giải pháp phòng bệnh.

Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, khả năng biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh xảy ra quanh năm, ở các tỉnh phía Nam bệnh thường tăng cao vào các tháng 3-5 và tháng 9 trong năm, chủ yếu lây theo đường tiêu hóa, nguồn bệnh chính là do tiếp xúc với nước bọt, phỏng nước, phân của trẻ bị bệnh.

Để phòng bệnh cho trẻ, các gia đình cần giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, lau rửa vật dụng, đồ chơi của trẻ thường xuyên bằng xà phòng, phơi nắng. Mọi người nên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; thu gom, xử lý dịch tiết, phân, chất thải của trẻ đúng cách. Cho trẻ ăn chín, uống chín, dùng riêng chén, muỗng… Cho trẻ ăn uống đầy đủ, hợp lý. Cách ly khi có người nhà hoặc trong lớp học có trẻ nghi ngờ bệnh tay - chân - miệng.

Những dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh sởi như thế nào, thưa bác sĩ ?

- Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút sởi gây ra. Tác nhân gây bệnh thuộc họ Paramyxoviridae Influenzae, không có tác nhân truyền bệnh nhưng có khả năng lây lan thành dịch trong cộng đồng. Đường lây truyền chủ yếu là đường hô hấp: nước bọt, giọt tiết bắn ra từ động tác ho, hắt hơi không che mũi miệng. Dấu hiệu của bệnh là sốt, gây viêm và tiết dịch niêm mạc (nhất là đường hô hấp) và phát ban. Biến chứng có thể gặp: tiêu chảy, viêm phổi, viêm não…

Cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi phát hiện trẻ bệnh nghi ngờ sởi, có các biểu hiện như sau: Trẻ sốt cao liên tục; phát ban toàn thân mà vẫn còn sốt cao; nôn nhiều, không ăn uống được; co giật, lơ mơ, khó thở, thở nhanh…

Chăm sóc và theo dõi tại nhà đối với các trường hợp trẻ bệnh sởi chưa hoặc không có biến chứng, cần cách ly với các trẻ không mắc bệnh; cho trẻ nằm phòng thoáng, sạch sẽ; đeo khẩu trang cho trẻ (lớn) và người tiếp xúc chăm sóc trẻ; rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc trẻ bệnh; cho uống paracetamol khi sốt trên 380C; vệ sinh thân thể cho trẻ, tắm rửa hàng ngày, thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh; nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% mỗi ngày 3 lần; cho trẻ uống nhiều nước, cho ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu và nên chia nhỏ bữa.

Tiêm ngừa chủ động cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác trong quá trình tiếp xúc, vậy phòng lây nhiễm nếu có trẻ bị bệnh như thế nào, thưa bác sĩ ?

- Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi Herpes varicella gây ra, lây chủ yếu bằng đường hô hấp, qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh. Bệnh đặc trưng bởi phát ban dạng bóng nước ở da và niêm mạc. Diễn tiến của bệnh thường lành tính nhưng có thể gây tử vong do biến chứng như viêm não, viêm phổi, hội chứng Reye. Bệnh được phát hiện càng sớm, điều trị sớm thì mau hồi phục, ít biến chứng, ít để lại sẹo.

Giai đoạn khởi phát: Trẻ có sốt, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, xuất hiện nhiều nốt đỏ trên da. Giai đoạn toàn phát: Các nốt đỏ tiến triển thành bóng nước, có kích thước 3-10mm, lúc đầu chứa dịch trong, sau 24 giờ hóa đục, lan rộng toàn thân.

Trẻ mắc thủy đậu cần được ở phòng riêng, thoáng, tránh gió lùa; đeo khẩu trang cho trẻ và người tiếp xúc trẻ; vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc trẻ; thoa dung dịch xanh methylen lên vị trí sang thương ở da; tránh làm vỡ các bóng nước, không dùng các bài thuốc dân gian (thầy cúng, tắm gốc rạ…), không tùy tiện bôi các loại thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Tiêm vắc-xin chủ động cho trẻ khi trên 12 tháng tuổi là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc người bệnh để tránh lây nhiễm bệnh trong quá trình tiếp xúc.

Không ghi nhận cas bệnh sởi và bệnh thủy đậu

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế thành phố Ngã Bảy, 5 tháng đầu năm thành phố không ghi nhận cas bệnh sởi và bệnh thủy đậu và chỉ ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng. Tuy nhiên, công tác phòng các bệnh này được ngành y tế thành phố duy trì thường xuyên, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng bệnh và giám sát, xử lý các ổ dịch kịp thời, tích cực thực hiện tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ liều cho trẻ,… nên tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.

Trong mùa hè này, trước nguy cơ trẻ dễ mắc các bệnh thường gặp, các gia đình cần tích cực thực hiện các giải pháp phòng bệnh được tư vấn nhằm bảo vệ sức khỏe con em mình và góp phần cùng địa phương kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.                                       

 

 

Xin cảm ơn bác sĩ !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>