Mở ra cơ hội cho bệnh nhân đột quỵ

03/06/2020 | 04:10 GMT+7

Đơn vị đột quỵ vừa được thành lập ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho bệnh nhân đột quỵ được cứu chữa trong khoảng “thời gian vàng”, giảm thấp nhất nguy cơ tử vong và những di chứng để lại.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư tại Đơn vị đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang.

Tận dụng được “thời gian vàng”

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư ở Việt Nam hiện nay.

Ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang cũng có không ít bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu điều trị và đơn vị đột quỵ là nhu cầu cần thiết để cấp cứu bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Văn Vũ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, cho biết: “Ê kíp y, bác sĩ đã được cử đi đào tạo chuyên môn ở Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ. Trước tiên chỉ có 1 ê kíp 3 người được đào tạo nên cần có quyết tâm trên tinh thần luôn sẵn sàng mọi lúc thực hiện cấp cứu nếu có cas bệnh. Bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu thường gặp. Tuy nhiên, chúng tôi phải phân loại được những trường hợp nào có thể chỉ định và chống chỉ định tiêm tiêu sợi huyết. Chúng tôi sẽ nỗ lực để bệnh nhân được cấp cứu trong khoảng “thời gian vàng””.

Theo các bác sĩ, “thời gian vàng” được hiểu là mốc thời gian tốt nhất để cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ. Khoảng “thời gian vàng” tối đa là 4-5 giờ đối với bệnh nhân tắc nghẽn mạch máu nhỏ. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân cần được chẩn đoán đúng nhồi mạch máu não và được tiêm thuốc tan cục máu đông đường tĩnh mạch. Mốc “thời gian vàng” sẽ là 6 giờ đối với bệnh nhân tắc nghẽn mạch máu lớn. Lúc này bệnh nhân cần được chuyển đến bệnh viện có chuyên môn sâu để phẫu thuật lấy cục máu đông.

“Không chỉ đào tạo nguồn nhân lực y, bác sĩ, để có thể triển khai Đơn vị đột quỵ, bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ về điều kiện điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để cấp cứu cho bệnh nhân. Đã ký kết hợp đồng chuyển giao kỹ thuật đối với Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ. Chúng tôi mong muốn, với Đơn vị đột quỵ, bệnh viện sẽ cấp cứu bệnh nhân đột quỵ ở tỉnh và các vùng lân cận sớm nhất, để không bỏ lỡ “giờ vàng” cấp cứu, giảm tai biến, giảm nguy cơ tử vong”, ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện tỉnh, nhấn mạnh. Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ là đơn vị sẽ trực tiếp chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ phía sau để Đơn vị đột quỵ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang xây dựng niềm tin và mang lại hiệu quả tốt nhất trong cấp cứu bệnh nhân.

Chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ: “Theo số liệu thống kê về đột quỵ, có khoảng 80% trường hợp là nhồi máu não, trong 80% này có hơn một nửa bệnh nhân nhồi máu não do tắc nghẽn mạch máu nhỏ, các trường hợp này có thể được cấp cứu tốt ở các đơn vị đột quỵ của tỉnh. Nếu trường hợp bệnh nhân bệnh nặng thì Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ sẽ hỗ trợ phía sau kịp thời cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, sau hơn 1 năm hoạt động đã cấp cứu cho trên 22.000 người bệnh đột quỵ, đây là con số đáng phấn khởi”.

Không dừng lại ở đơn vị đột quỵ và với khát vọng cấp cứu hiệu quả cho bệnh nhân bệnh viện tiếp tục thực hiện đào tạo ngày một chuyên sâu hơn cho lực lượng y, bác sĩ để hướng tới có thể can thiệp sâu hơn trong việc cấp cứu, chẩn đoán và điều trị, góp phần phát triển mạng lưới cấp cứu đột quỵ các tỉnh miền Tây, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.

Ông Trương Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đảm bảo được điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và đã bước đầu đào tạo nguồn nhân lực y bác sĩ. Tuy nhiên, mới đào tạo được 1 ê kíp, để phát triển cần đào tạo ít nhất 3 ê kíp và định hướng xây dựng Khoa Đột quỵ trong thời gian tới. Y, bác sĩ phải có quyết tâm để phát huy được hiệu quả, việc cấp cứu đảm bảo 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần. Cần xây dựng quy trình cụ thể để có thể cấp cứu nhanh nhất trong khoảng “thời gian vàng” cứu sống bệnh nhân. Các bác sĩ phải nâng cao chuyên môn để chẩn đoán chính xác, chỉ định đúng. Cần có đề tài nghiên cứu để đánh giá kết quả và từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động”.

Mạng lưới cấp cứu bệnh đột quỵ đang được phát triển ở các tỉnh miền Tây và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang là một phần trong mạng lưới đó, nhằm kịp thời cấp cứu bệnh nhân trong “thời gian vàng”, không chỉ phục vụ cho bệnh nhân ở tỉnh mà còn các địa phương lân cận. Việc phát triển đơn vị đột quỵ, góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở tỉnh.

3 dấu hiệu đơn giản nhận biết bệnh đột quỵ

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, người dân có thể nhận biết bệnh đột quỵ qua 3 dấu hiệu đơn giản. Dấu hiệu đầu tiên là biểu hiện trên khuôn mặt. Khi bị đột quỵ, khuôn mặt bệnh nhân thường bị méo một bên, có khi chảy nước giải. Dấu hiệu thứ hai là tay và chân người bệnh yếu đi, yếu nửa bên cơ thể. Dấu hiệu thứ ba là bệnh nhân có biểu hiện nói khó, nói đớ. Nếu người bệnh có những biểu hiện này thì gia đình nên nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời trong khoảng thời gian được gọi là “giờ vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>