Khói thuốc lá đi liền nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

29/06/2020 | 08:50 GMT+7

Khói thuốc lá, thuốc lào là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khoảng 20-30% số người sử dụng từ trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Dừng hút thuốc khi chưa quá muộn

Đang nằm viện điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, ông Trần Văn Tám, ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, mới thấm thía được tác hại của thuốc lá. Ông Tám chia sẻ: “Trước đây, mình nghe nói nhiều về tác hại của thuốc lá, tuy nhiên chưa thấy ảnh hưởng tới sức khỏe trước mắt nên cứ nghĩ là không sao, cứ hút… đều đặn. Bây giờ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ảnh hưởng tới sức khỏe mới nhận ra tác hại của thuốc lá và tôi đã quyết định bỏ thuốc lá hơn một năm nay. Biết vậy, đã bỏ thuốc lá từ lâu rồi chứ không đợi đến bây giờ thì có phần muộn, nhưng cũng chưa quá muộn”. Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây cho ông Tám các triệu chứng ho, khó thở, mệt nên phải nằm viện điều trị. Giờ ngẫm nghĩ lại việc hút thuốc lá của bản thân vừa tốn kém chi phí, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân, sức khỏe của gia đình, ông Tám cảm thấy hối hận vì mình chưa quyết tâm bỏ thuốc lá từ sớm.

Ông Tám kể thêm: “Tôi bỏ thuốc lá là bỏ ngay, không bỏ từ từ và cũng đã bỏ được hơn 1 năm rồi. Bệnh phải quyết tâm bỏ và tôi đã làm được điều đó, phải chi trước đây mình có quyết tâm như vậy thì giờ đâu đến nỗi bệnh nhiều. Mỗi ngày tôi hút từ một đến hai gói thuốc lá cũng tốn rất nhiều chi phí vì đã hơn 50 năm hút thuốc”.

Còn trường hợp tương tự của ông Quách Văn Hon, ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, hiện đang nằm viện điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở bệnh viện này hơn 10 ngày qua, trong tình trạng sức khỏe chỉ thuyên giảm đôi chút. Ông Hon tâm sự: “Đã hơn 50 năm mình hút thuốc lá, mười mấy tuổi đã bắt đầu hút thuốc khi đi chăn trâu. Bây giờ bỏ, tôi nghĩ không dễ dàng, nhưng gần chục ngày nay ở bệnh viện, bác sĩ tuyệt đối không cho hút thuốc, tôi cũng chấp hành không hút thuốc lá để có thể khỏe hơn và được về nhà, chắc là lần này về tôi quyết tâm bỏ thuốc lá để điều trị bệnh đạt hiệu quả cao hơn”.

Vợ của ông Hon và của ông Tám đều mong muốn chồng mình bỏ được thuốc lá, nhất là khi vướng vào bệnh tật mà nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này là do việc hút thuốc lá. Bà Nguyễn Thị Ảnh, vợ của ông Hon, bộc bạch: “Từ trẻ ông ấy đã hút thuốc lá, tôi đã sống chung với chồng và với khói thuốc lá trên 50 năm rồi. Trước đây, chồng tôi hút thuốc lá cũng nhiều, sau đó bị bệnh nên tôi cũng khuyên ông ấy bỏ thuốc. Hiện tại, vẫn chưa bỏ được nhưng số lượng điếu thuốc hút hàng ngày đã giảm xuống đáng kể. Sau đợt bệnh này, hy vọng ông ấy sẽ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Tôi cũng biết việc hít phải khói thuốc thụ động là ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, tuy nhiên vẫn chưa thấy ảnh hưởng sức khỏe trước mắt nên cứ thờ ơ và sống chung với thuốc lá từ trước tới giờ”.

Hãy biết bảo vệ mình, người thân và cộng đồng

Theo bác sĩ Trần Thị Kiều Trang, Phó trưởng khoa Bệnh phổi, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh: “Hầu hết bệnh nhân nhập viện ở bệnh viện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều có liên quan đến hút thuốc lá. Khi bệnh nhân vào bệnh viện bác sĩ tuyệt đối không cho bệnh nhân hút thuốc lá vì hút thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và đều khuyên nhủ, hướng dẫn tích cực để bệnh nhân có thể bỏ thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, bệnh không tiến triển nặng hơn nữa và bảo vệ sức khỏe cho gia đình, phòng, chống tác hại của thuốc lá”.

Theo các nghiên cứu, một người nếu hàng ngày hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc thụ động, khói thuốc sẽ liên tục kích thích phế quản. Một số chất trong thuốc lá là nguyên nhân làm tăng sản xuất chất nhầy và gây tổn thương các tế bào của niêm mạc phế quản, làm tê liệt các lông chuyển của phế quản do đó làm giảm thải bụi, chất nhầy và các chất độc khác ra ngoài.

Khói thuốc lá cũng làm giảm khả năng bảo vệ tại chỗ và tạo thuận lợi cho nhiễm trùng hô hấp. Hơn thế, nó còn gây phá hủy các sợi đàn hồi trong phế quản và phế nang trong phổi. Chính sự phá hủy này sẽ làm giảm độ đàn hồi của phổi. Như vậy, việc hút thuốc lá, hít phải khói thuốc thường xuyên sẽ gây phá hủy niêm mạc đường thở, thành đường thở, các phế nang và lâu ngày có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng như các bệnh phổi khác.

Hút thuốc nhiều không chỉ có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà còn mắc nhiều bệnh nguy hiểm khác

Có khoảng 20-30% số người sử dụng từ trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nếu những người hút thuốc lá không ngừng hút thì khoảng 50% trong số họ chết sớm do thuốc lá, một nửa trong số đó ở độ tuổi 35-69 tuổi. Hy vọng sống ở những người hút thuốc giảm từ 25-30 năm so với những người không hút thuốc.

Ngoài có khả năng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người hút thuốc lá chủ động, thụ động còn có nguy cơ mắc các bệnh lý khác do thuốc lá gây nên, như ung thư phổi, ung thư miệng, vòm họng, lưỡi hoặc bàng quang. Hoặc mắc bệnh tim mạch: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ vữa, viêm động mạch,...

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>