Tập trung hoàn thành mục tiêu dự án tổng thể về quản lý đất đai

20/03/2019 | 07:53 GMT+7

Nhằm đánh giá về những kết quả đạt được cũng như vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết, những kết quả đạt được của Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2018 ?

- Dự án đo đạc tổng thể được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt tại Quyết định số 2738/QĐ-UBND ngày 11/12/2008, thời gian thực hiện dự án đến năm 2015; được tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện đến năm 2020. Kể từ khi được phê duyệt đến nay, tỉnh đã đạt được một số kết quả như tổng số xã, phường, thị trấn đã triển khai xây dựng lưới địa chính, đo đạc thành lập bản đồ địa chính là 67/76 đơn vị (9 đơn vị cấp xã của huyện Vị Thủy chưa triển khai thực hiện); xây dựng lưới địa chính được 1.495 điểm tọa độ địa chính; đo đạc thành lập mới bản đồ địa chính được 129.610,89ha (so với diện tích đo đạc được phê duyệt đạt gần 90,8%); công tác kê khai đăng ký, cấp, cấp đổi giấy chứng nhận (GCN) với tỷ lệ kê khai đăng ký đạt 70,94%, tỷ lệ hồ sơ xét duyệt đạt yêu cầu 58,88%, tỷ lệ GCN đã cấp, cấp đổi GCN đạt 37,44%.

Với kết quả xây dựng bản đồ địa chính chính quy như trên, đã phục vụ tốt công tác kê khai đăng ký, cấp GCN nói riêng và công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung từng bước đi vào nề nếp. Sản phẩm của dự án đã thay thế dữ liệu cũ, lạc hậu mà các huyện, thị xã, thành phố vẫn đang quản lý và sử dụng từ trước đến nay. Với kết quả bản đồ địa chính chính quy được đo đạc chính xác cao phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện, đâu là những khó khăn, vướng mắc, thưa ông ?

- Trong quá trình triển khai thực hiện địa phương gặp 2 khó khăn. Thứ nhất, là cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thường xuyên thay đổi định mức kinh tế kỹ thuật lĩnh vực đo đạc, cấp GCN nên địa phương khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện. Như thời điểm lập dự án là năm 2008 và tỉnh phải phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán để được Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện trong năm 2008. Nhưng thời điểm đó Trung ương chưa ban hành đầy đủ các quy định về định mức nhân công, trang thiết bị... đến khi các văn bản được ban hành đầy đủ thì địa phương mất nhiều thời gian điều chỉnh dự án cho phù hợp với quy định hiện hành; đồng thời một số Thông tư hướng dẫn thực hiện về bản đồ địa chính và định mức kinh tế - kỹ thuật lập hồ sơ địa chính, đo đạc địa chính, cấp GCN quyền sử dụng đất... thường xuyên được thay thế nên địa phương phải tiếp tục điều chỉnh dẫn đến tiến độ thực hiện kéo dài. Thứ hai, là nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế, theo dự án được phê duyệt thì kinh phí thực hiện dự án từ ngân sách nhà nước, trong đó Trung ương hỗ trợ 80%, địa phương 20%. Tuy nhiên, những năm gần đây nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương cấp cho dự án tương đối ít, không đồng đều giữa các năm nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế các nhiệm vụ cần thực hiện để hoàn thành dự án trong năm 2020.

Được biết, công tác cấp, đổi GCN quyền sử dụng đất của dự án tổng thể còn đạt tỷ lệ thấp, nhiều sai sót, theo ông nguyên nhân do đâu ?

- Tính đến thời điểm hiện tại thì tỷ lệ cấp, cấp đổi GCN quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 37,44%. Với kết quả này, nhìn chung tỷ lệ thực hiện đăng ký, cấp, cấp đổi GCN còn thấp, trong đó có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ quan là công tác phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị thi công với địa phương không nhịp nhàng, chưa khơi gợi được sự chủ động hợp tác của người dân đến đăng ký, cấp, đổi GCN, dẫn đến kết quả đạt không cao. Hội đồng xét duyệt ở số địa bàn cấp xã chưa chủ động xét duyệt hồ sơ do đơn vị thi công gửi đến, luân chuyển hồ sơ chưa khoa học. Hơn nữa, hồ sơ sau khi xét duyệt chưa đạt thì chưa được đơn vị thi công chỉnh sửa kịp thời. Việc phối hợp thực hiện cấp đổi 3 bên giữa người sử dụng đất - Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất - Ngân hàng theo Điều 76 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ đối với các trường hợp GCN của người dân đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng chưa được thực hiện nhịp nhàng (người dân không muốn mất thời gian đi làm thủ tục cấp giấy lại, còn ngân hàng thì phát sinh thêm thủ tục phải ký phụ lục hợp đồng do thay đổi số thửa đất, tờ bản đồ và đôi khi diện tích giảm thì phải làm hợp đồng giảm tài sản thế chấp...). Người dân thiếu quan tâm trong công việc phối hợp với đơn vị đo đạc trong việc cắm mốc ranh ngoài thực địa, xác lập hồ sơ phần đất mình đang quản lý.

Sản phẩm của dự án tổng thể sẽ thay thế dữ liệu về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã cũ, lạc hậu.

Về nguyên nhân khách quan, mặc dù tỉnh đã chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương nâng cao công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký, cấp đổi GCN nhưng nhìn chung người dân vẫn chưa có sự hưởng ứng cao do hiện tại người dân không có nhu cầu cấp đổi GCN, vì GCN cũ (không đi cấp đổi) vẫn còn hiệu lực, còn giá trị sử dụng. Ngoài ra, có một số trường hợp người dân đi làm ăn xa, phải thông báo nhiều lần nhưng không về địa phương để được đăng ký cấp đổi GCN miễn phí. Tình hình biến động đất đai diễn ra thường xuyên, liên tục nên đơn vị thi công phải mất nhiều thời gian cập nhật, bổ sung; đất đai đã được cấp GCN theo hồ sơ địa chính cũ trước đây nên còn nhiều sai sót, dẫn đến khó khăn khi thực hiện cấp, đổi GCN theo dự án như khi đo đạc tăng diện tích đất thì người dân phải thực hiện thêm nghĩa vụ tài chính, hoặc diện tích đất bị giảm so với GCN cũ thì người dân không đồng tình; đa số GCN của người dân đang thế chấp tại ngân hàng, khi đăng ký xét duyệt đạt yêu cầu đến lúc đổi thì người dân không có tiền để giải chấp lấy GCN gốc để cấp đổi GCN mới theo quy định.

Để dự án đạt được kết quả theo kế hoạch đề ra, ông có yêu cầu, chỉ đạo và kiến nghị gì ?

- Để hoàn thành mục tiêu kết thúc dự án trong năm 2020, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn chỉnh dự án điều chỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Trong đó, nghiên cứu xem xét giao nhiệm vụ đăng ký, cấp đổi GCN cho Văn phòng đăng ký đất đai địa phương thực hiện, cắt giảm một số khối lượng công việc chưa cần thiết đưa vào dự án. Đồng thời, rà soát lại các đơn vị thi công kém hiệu quả, chọn đơn vị mới đảm bảo thực hiện hoàn thành dự án theo mục tiêu đề ra. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt tầm quan trọng và ý nghĩa của dự án đến cán bộ và người dân trên địa bàn để chủ động liên hệ cấp, đổi giấy miễn phí trong thời gian dự án có thực hiện.

Trên cơ sở dự án điều chỉnh được lập, tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, báo cáo, đề nghị với Bộ Tài chính xem xét trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí đủ cho dự án để triển khai thực hiện các hạng mục công việc tiếp theo, đảm bảo hoàn thành, kết thúc dự án vào cuối năm 2020.

Xin cảm ơn ông !

LÊ HÙNG thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>