Chuyện xây dựng Đảng trong doanh nghiệp

26/02/2020 | 08:31 GMT+7

Có thể nói, việc thành lập được 35 chi, đảng bộ cơ sở trong doanh nghiệp là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực lớn, nhưng chừng ấy vẫn còn quá ít so với con số hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Ông Đặng Văn An (đứng), Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, trong một lần đến vận động thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Bài 3: Để Đảng vững mạnh trong doanh nghiệp

Đảng ủy Khối doanh nghiệp thông tin, đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước thì việc thành lập tổ chức đảng không khó, nhưng việc thành lập được tổ chức đảng trong tổ chức kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Đó là không ít chủ doanh nghiệp chưa nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của tổ chức đảng nên chưa ủng hộ, thậm chí gây khó khăn cho thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp mình; hoặc khi thành lập được tổ chức đảng trong doanh nghiệp rồi thì đôi lúc lại đối diện với một số trở ngại khác.

Cụ thể, nếu bí thư hoặc phó bí thư chi, đảng bộ cơ sở là lãnh đạo doanh nghiệp thì việc lãnh đạo thực hiện các mặt công tác xây dựng Đảng sẽ thuận lợi, hiệu quả; ngược lại, chủ doanh nghiệp không là đảng viên thì một số mặt công tác xây dựng Đảng ở doanh nghiệp thường bị xem nhẹ. Bởi khi đó, bí thư, phó bí thư chi bộ có tâm lý e dè, cả nể, không mạnh dạn lãnh đạo thực hiện các mặt công tác xây dựng Đảng theo quy định.

Song song đó là việc tham gia định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh của cấp ủy cơ sở cũng còn hạn chế; sinh hoạt đảng, quản lý đảng viên một vài nơi còn nhiều bất cập… Một số chi bộ trong doanh nghiệp sau một thời gian thành lập không thể duy trì hoạt động.

Qua thống kê của Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, từ năm 2010 đến tháng 10-2019, có đến 23 chi bộ cơ sở thành lập nhưng cũng phải giải thể 8 chi bộ.

Cái khó lớn nhất hiện nay là không ít chủ doanh nghiệp ngại có tổ chức đảng ở đơn vị mình. Theo Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Trương Quốc Hải, Đảng ủy Khối và ngành chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục để chủ doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng của phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp; cố gắng thành lập các tổ chức đảng ở các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi có đủ điều kiện.

Đối với doanh nghiệp đã thành lập tổ chức đảng thì Ban Thường vụ Đảng ủy Khối sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ họ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ xây dựng kế hoạch với các biện pháp thật cụ thể để khắc phục hạn chế, yếu kém…

Kinh nghiệm từ các tổ chức đảng trong doanh nghiệp chia sẻ, muốn chi bộ mạnh thì mỗi cấp ủy viên, đảng viên phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, gắn bó và cùng chung nỗi lo với doanh nghiệp; không ngừng sáng tạo trong lao động, tích cực nghiên cứu đề xuất, góp ý những giải pháp tích cực, khả thi cho doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp gặp khó trong phát triển thì chủ doanh nghiệp, cấp ủy viên và đảng viên phải biết chia sẻ, thông cảm, đoàn kết góp sức để vượt qua…

Ông Trương Quốc Hải, Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, đúc kết thêm, muốn đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì điều quan trọng nhất là phải tích cực thuyết phục và sẵn sàng kết nạp người lao động, nhất là các chủ doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn vào Đảng.

Khẳng định chủ trương tiếp tục phát triển Đảng trong doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết: “Thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến chủ doanh nghiệp, tạo được chuyển biến trong nhận thức giúp họ thấy được vai trò quan trọng của tổ chức đảng, đoàn thể đối với quá trình phát triển doanh nghiệp”.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>