Thiêng liêng lắm mẹ đỡ đầu

12/02/2024 | 06:41 GMT+7

Người ta thường nghe nói đến hai từ mẹ ruột, mẹ kế, mẹ nuôi, nay được nghe thêm “Mẹ đỡ đầu” và chắc rằng đó không chỉ là mỹ từ.

Thật vậy, “Mẹ đỡ đầu” ở tỉnh hai năm qua đã, đang giang rộng vòng tay yêu thương, trở thành điểm tựa ấm áp giúp nhiều trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thêm cơ hội phát triển, tin vào tương lai tươi đẹp !

Em Trần Hồng Nhung vui khi luôn được bà Mai Thị Lan quan tâm chăm sóc.

“Mẹ ơi”…

Chiều thứ sáu, trong không khí se se lạnh của những ngày cận tết, em Trần Hồng Nhung, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A tan học, chạy một mạch về khoe với mẹ Lan (bà Mai Thị Lan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Cái Tắc) thành tích học tập.

Từ ngoài ngõ, Nhung vừa đi như chạy, mắt nhìn xung quanh tìm: “Mẹ ơi ! Con có kết quả thi rồi, loại giỏi mẹ ơi !”.

Hai tiếng “Mẹ ơi” sao mà thân thương quá !

Nhung là con nuôi của bà Lan nhưng xem như mẹ ruột, có gì cũng kể mẹ nghe.

Cảm xúc ùa về khi ai đó biết được gia cảnh của Nhung. Bà Lan kể, nhận đỡ đầu tới 2 trẻ hoàn cảnh khó khăn và thương em Nhung nhiều lắm bởi cha em mất sớm, một mình mẹ phải bươn chải làm mướn lo cho bà ngoại lớn tuổi và Nhung ăn học.

Hôm đến nhà, tận mắt thấy Nhung tuy mới 13 tuổi mà đã biết dọn bếp núc gọn gàng, nhà cửa tươm tất, phụ giúp mẹ bán quán thuê sau buổi học, bà Lan xúc động vô cùng.

Nhận ngay cô bé Nhung làm con, “mẹ đỡ đầu” Lan thêm vui chứ không nghĩ đó là gánh nặng.

Để rồi sớm hôm, hễ rảnh là Nhung quấn quýt bên mẹ Lan, hỏi mẹ đủ điều, làm theo các thứ mẹ dạy.

Bà Lan chia sẻ: “Tôi xem Nhung như những đứa con ruột thịt trong nhà, luôn chăm sóc để Nhung có được một gia đình trọn vẹn, không phân biệt con nuôi con ruột. Tôi chưa bao giờ nghĩ nhận đỡ đầu rồi sau này lớn con phải giúp đỡ lại mình. Với tôi, mong ước duy nhất là Nhung có sức khỏe, học thật giỏi để chọn được ngành nghề yêu thích sau này. Con lo được bản thân là tôi mừng”.

Mong ước ấy không chỉ là những lời có cánh mà đã được bà Lan vun đắp mỗi ngày. Mới đây nhất là mua quần áo mới để Nhung mặc đi chơi tết cùng bạn bè. “Mẹ có quà, con gái thử quần áo mới xem vừa không”, vừa nói bà Lan vừa nhìn Nhung trìu mến.

Tấm lòng của mẹ Lan được Nhung thấu hiểu và em đã đền đáp phần nào qua kết quả học tập. Từ đó, tiếp thêm niềm tin để bà Lan có kế hoạch rõ cho Nhung học lên tới đại học. “Là mẹ của các con, trong đó có Nhung thì ở nhà anh chị có gì gái Nhung sẽ có cái đó”.

Niềm hạnh phúc của mẹ con em Huỳnh Khánh Đăng khi có thêm sự yêu thương, chăm sóc của bà Chuyên.

Mở rộng vòng tay

“Mẹ ơi” không chỉ ở Cái Tắc mà đã lan tỏa vòng tay yêu thương tại nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Nhiều hội viên phụ nữ xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ tuy đời sống không mấy khá nhưng lòng nhân ái có thừa.

Lòng vòng hơn 1km trên chiếc xe máy bởi con đường đất không bằng phẳng, nhưng bà Nguyễn Ngọc Chuyên, hơn 70 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, vẫn vui khi mỗi tháng mang quà, nay là đồ tết cho em Huỳnh Khánh Đăng, 8 tuổi, ngụ cùng ấp.

Vừa đi bà Chuyên vừa kể: “Lộ đất người lớn mình đi còn vất vả nói gì Khánh Đăng còn nhỏ, vậy mà con chưa nghỉ học ngày nào; trời nắng thì con tự lội bộ đến trường, mưa thì nhờ cô chú trong nhà hay thấy ai đi vỏ lãi ngang quá giang. Vậy đó mà không thương sao được !”.

Câu chuyện về Đăng bị ngắt ngang khi tiếng reo vui của cậu bé trai nhỏ xíu chạy ra mừng. “Bà ngoại Hai đến thăm con mẹ ơi !”.

Bà Chuyên cười nói với phóng viên: “Mỗi lần đến đều như vậy; con không gọi tôi là mẹ mà kêu bằng bà ngoại Hai. Vì tuổi tôi hơn tuổi bà ngoại của cháu”.

Thật đáng thương khi nghe kể hoàn cảnh của Đăng: Mẹ em bị bệnh thần kinh nhẹ từ nhỏ, hai chân tật bẩm sinh, không đi lại được, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người khác giúp; Đăng sinh ra đã không có ba và con lớn lên trong sự cưu mang của ngoại.

Nghe đến đây, Huỳnh Thị Đượm, mẹ ruột của Đăng rơm rớm nước mắt: “Nhờ bà Chuyên nhận đỡ đầu mà con tôi có được thêm người chăm sóc, lo lắng  học hành. Bà là mẹ tái sinh của Đăng…”.

Bà Chuyên nhận đỡ đầu Khánh Đăng từ năm 2022, thời gian này không chỉ hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho con mà còn thường xuyên mua quà, bánh, quần áo, dụng cụ học tập, nhu yếu phẩm đem đến. Cũng năm này, ngôi nhà tình thương của hai mẹ con Khánh Đăng xuống cấp, vậy là mẹ Chuyên ra tay vận động mạnh thường quân hỗ trợ 15 triệu đồng sửa lại nhà để được kín đáo.

Niềm vui nối tiếp niềm vui khi bữa nay đến, bà Chuyên cho Đăng mấy bộ quần áo tết. “Con mặc vừa. Vậy là tết này con có quần áo mới như mấy anh chị cùng xóm rồi”, Đăng cười nói hớn hở.

Nhìn Khánh Đăng vui, hai người mẹ như không giấu được cảm xúc…

Bà Chuyên bộc bạch: “Mừng lắm khi hỏi và được con trả lời ước mơ sau này được làm thầy giáo. Bằng hết khả năng của mình, tôi còn sức khỏe là còn lo cho Khánh Đăng học đến nơi đến chốn”.

Năm 2021, khi Trung ương Hội LHPN phát động Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Tỉnh hội Phụ nữ phối hợp với các ngành rà soát, nắm từng hoàn cảnh trẻ đặc biệt khó khăn… Đến nay, “Mẹ đỡ đầu” toàn tỉnh nhận chăm sóc thường xuyên 362 trẻ, tổng kinh phí hỗ trợ 2 năm trên 2 tỉ đồng.

“Để tạo điều kiện cho tất cả các con nhẹ bước đến trường, đêm về an giấc, Hội gắn kết thêm Chương trình “Cùng con đến trường” để nhiều em có thêm mẹ, thêm mái ấm yêu thương, được chăm lo đủ đầy hơn” bà Lê Thị Mỹ Tiên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông tin thêm.

Hai năm triển khai thực hiện là ngần ấy năm “mẹ đỡ đầu” của các cấp hội LHPN đem đến nhiều ánh sáng hạnh phúc, tình yêu thương ấm áp cho trẻ. Đón xuân mới, Nhung, Khánh Đăng cũng như nhiều trẻ em khác thuộc diện sẽ thêm an yên, ấm áp khi bên mình tràn đầy niềm yêu thương.

Nhiều người nghĩ, có ai tự nhiên cho ai bất cứ điều gì, nhưng với các “Mẹ đỡ đầu” lại khác. Các mẹ cho đi đúng như những gì thiên chức mẹ mặc định mà không mong nhận lại bất cứ thứ gì. Tình thương của các mẹ nếu được ví như cấp số cộng thì mai kia 362 trẻ mồ côi lớn lên sẽ lan tỏa tình yêu thương bằng những phép nhân, lũy thừa, kết nối một cộng đồng nhiều hoa thơm ngát.

“Mẹ đỡ đầu” cũng lắm thiêng liêng !

Câu chuyện “Mẹ đỡ đầu” có lẽ không dừng lại ở chuyện hàng tháng, hàng quý mang đến cho trẻ bao nhiêu tiền, quà, chở che, đồng hành cùng các con, mà còn ghi nhận thêm nhiều người cha, người bà, nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học... là mẹ của các em.

“Vườn ươm hoa kiểng”, “Phụ nữ thiện nguyện giúp đỡ phụ nữ yếu thế, trẻ em mồ côi”, của Hội LHPN xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp là điển hình tập thể đỡ đầu. Từ lúc thực hiện đến nay đã hỗ trợ, đỡ đầu 50 lượt trẻ mồ côi, tổng số tiền hơn 65 triệu đồng.

 

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>