Để vơi nhẹ nỗi đau da cam

07/07/2020 | 09:06 GMT+7

Chiến tranh đã lùi xa, song những vết thương và nỗi đau do chất độc da cam/Dioxin để lại vẫn cứ tồn tại qua nhiều thế hệ. Vượt lên tất cả, bằng ý chí và nghị lực, nhiều nạn nhân da cam ở Hậu Giang đã nỗ lực phấn đấu trở thành những người có ích cho xã hội.

Bản thân bị nhiễm chất độc da cam và nỗi đau da cam hiện hữu lên người con trai gần 40 tuổi, nhưng ông Kèn luôn nỗ lực lao động, xây dựng cuộc sống mới.

Xây dựng cuộc sống mới

Đến nhà ông Võ Thanh Kèn, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, vào buổi trưa, lúc này ông vừa đi xắn khóm về tới nhà. Thấy có khách, ông Kèn hồ hởi cho biết hổm rày khóm được giá, thu nhập cũng tạm ổn. Vào nhà, ông liền hỏi vợ (bà Nguyễn Thị Út) xem hôm nay anh Võ Tranh Trí (con trai thứ 5 của ông) ăn cơm thế nào, có còn bị co giật hay không.

Anh Trí đã 37 tuổi, nhưng do ảnh hưởng của chất độc da cam, nên hầu hết mọi chuyện sinh hoạt của anh phải có người giúp đỡ, lại thường xuyên bị co giật. Nhìn người con trai đáng thương, ông Kèn cho biết: “Sinh con ra, ai cũng mong muốn con lành lặn, nay con bị nhiễm chất độc quái ác này, gia đình tôi chỉ biết cố gắng chăm sóc, để bù đắp cho con”.

Ông Kèn kể về những tháng ngày tham gia cách mạng của bản thân mình. Năm 1969, khi 19 tuổi ông tham gia du kích ấp ở địa phương, đến năm 1972 ông được điều về Đội xã (xã Hỏa Lựu cũ). Những năm đó, chiến tranh ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Theo ông Kèn, năm 1966 quân Mỹ rải chất độc hóa học xuống vùng quê, lúc đó mọi người không biết đó là chất gì, thấy chiều ngày hôm đó là cây cối rủ lá, bật gốc, chết hàng loạt. Đến năm 1972, Mỹ rải chất độc này lần nữa, thế là hàng loạt cây cối bị chết…

Dẫu chiến tranh nguy hiểm, nhưng với quyết tâm và lòng căm thù giặc sâu sắc, ông Kèn tham gia cách mạng cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Trở về với cuộc sống đời thường, ông Kèn tiếp tục công tác ở địa phương và lao động sản xuất, để lo cuộc sống hàng ngày. Năm 1979, ông Kèn lập gia đình mà vẫn không biết mình mang trong người chất độc da cam, cho đến khi người con trai thứ 5 chào đời. “Lúc mới sinh, thằng Trí cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, thế nhưng một, hai tháng sau con cứ bệnh hoài, tay chân yếu ớt. Dẫu cuộc sống khó khăn nhưng gia đình đã đưa Trí đi chữa trị khắp nơi, nhưng vẫn không khỏi”, ông Kèn ngậm ngùi nhớ lại.

Mãi đến năm anh Trí được gần 20 tuổi, ông Kèn đưa anh Trí đi giám định thì được bác sĩ cho hay bị nhiễm chất độc da cam. Trước kết quả giám định của con, ông Kèn nghĩ rằng sở dĩ con như vậy có thể do ông, bởi những năm chiến tranh ông đã ở vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học. Lúc đó, ông liền đi giám định và kết quả là ông bị nhiễm chất độc này.

Gia đình có một người nhiễm chất độc da cam đã khổ, đằng này gia đình ông có tới hai người. Cuộc sống đã khó lại càng thêm khó. Để giúp gia đình vượt qua khó khăn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh đã vận động hỗ trợ gia đình 4 con heo và thức ăn. Ngoài ra, ông còn trồng khóm. Mỗi thứ cho thu nhập một ít, cuộc sống dễ thở hơn và có bước cải thiện. Theo ông Kèn, sức khỏe của bản thân cũng không được tốt nhưng ông vẫn luôn cố gắng, động viên bản thân và gia đình phấn đấu vươn lên, để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. “Những năm qua, gia đình tôi hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho nạn nhân da cam. Nay vợ chồng tôi đều lớn tuổi rồi, chỉ mong thằng Trí mạnh khỏe”, ông Kèn chia sẻ.

Thực hiện tốt các hoạt động chăm lo

Ông Kèn là một trong hàng trăm nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/Dioxin của tỉnh, đã nỗ lực vượt qua bệnh tật vươn lên để hòa nhập với cộng đồng. Xác định chăm lo đời sống gia đình các nạn nhân da cam là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa sâu sắc hướng về nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam, đồng thời, vận động các cơ quan, ban ngành, nhà hảo tâm hỗ trợ. Đa phần cuộc sống của các nạn nhân hiện còn nhiều khó khăn nên tùy điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, hội nạn nhân chất độc da cam các cấp có những cách để giúp đỡ phù hợp như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vốn chăn nuôi sản xuất, cấp xe lăn, xe lắc… Cùng với đó, các cấp hội cũng tổ chức thăm, tặng quà nhân dịp lễ, ngày kỷ niệm nhằm động viên các nạn nhân tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Lê Quốc Việt, nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho biết: “Ngoài hưởng chế độ hàng tháng, vào các ngày kỷ niệm, các cấp hội, địa phương cũng đến thăm hỏi, tặng quà cho gia đình. Những tình cảm và sự quan tâm ấy, giúp những nạn nhân như tôi cảm thấy ấm lòng. Chúng tôi sẽ cùng nhau nỗ lực, để kinh tế gia đình ngày càng phát triển, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp”.

Chính sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, sự sẻ chia, giúp đỡ của cả cộng đồng xã hội, đã góp phần bù đắp phần nào những mất mát, thiệt thòi, đem lại niềm hy vọng cho những người không may bị nhiễm chất độc da cam, để họ vươn lên hòa nhập cộng đồng và sống có ích. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh, cho biết: “Với tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam, trong thời gian tới, các cấp hội trong tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm tích cực ủng hộ, giúp đỡ, để chung tay xoa dịu nỗi đau. Bên cạnh đó, hội cũng rà soát số nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trong cộng đồng đề nghị giám định để hưởng các chính sách theo quy định”.

Nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho nạn nhân da cam/Dioxin được thực hiện

Toàn tỉnh hiện có 532 nạn nhân bị nhiễm CĐDC được hưởng chế độ hàng tháng và 12.704 người nghi nhiễm CĐDC hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, người khuyết tật. Từ năm 2015 đến nay, các cấp hội đã vận động xây dựng, sửa chữa 60 căn nhà tình thương, trợ cấp 1.614 suất học bổng, tặng 40.907 quyển tập, trợ cấp khó khăn đột xuất cho 78 người, trên 3.000 người được chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, mổ mắt đục thủy tinh thể...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>