Chăm lo tốt đối tượng bảo trợ xã hội

21/08/2019 | 08:22 GMT+7

Với những việc làm thiết thực từ tỉnh đến cơ sở, đã giúp đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) ổn định cuộc sống.

Công tác chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội luôn được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện.

Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ

Mấy năm nay, cứ mỗi lần đến ngày cấp tiền trợ cấp BTXH, nhân viên bưu điện lại mang đến tận nhà để cấp cho ông Huỳnh Văn Hòa, ở ấp 3B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A. Ông Hòa bị tai biến đã mấy năm nay, do ảnh hưởng của căn bệnh này, đến nay mắt ông không thấy đường, cần phải có người chăm sóc. Vì lẽ đó, mỗi lần đến tháng lãnh tiền trợ cấp BTXH, nhân viên bưu điện lại đến nhà để trao tiền cho ông. “Mỗi tháng, tôi lãnh được 675.000 đồng, còn vợ tôi 270.000 đồng (người chăm sóc). Số tiền này cũng giúp vợ chồng tôi trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tôi còn được cấp bảo hiểm y tế để yên tâm khám, chữa bệnh”, ông Hòa cho hay. Để lo cuộc sống mưu sinh, mỗi ngày vợ ông đi bán rau cải cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, hôm nào đắt cũng được trên trăm ngàn đồng.

Còn ông Nguyễn Văn Tốt (phụ huynh em Nguyễn Thành Nhân), ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Con tôi sinh ra chẳng may bị khuyết tật, cháu không thể đi đứng. Mỗi khi vận động được quà hay các ngày lễ kỷ niệm, chính quyền địa phương đều đến thăm hỏi, tặng quà cho cháu. Những tình cảm ấy, khiến chúng tôi cảm thấy được an ủi, vì được xã hội quan tâm giúp đỡ thường xuyên”.

Không riêng ông Hòa, em Nhân, những đối tượng BTXH là người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi... đều được các cấp, các ngành quan tâm chăm lo, nhằm giúp các gia đình vượt qua phần nào khó khăn, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Theo bà Đoàn Thị Thùy Hương, Trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, toàn huyện có 2.388 đối tượng BTXH, gồm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người thường xuyên ốm đau bệnh tật... Các đối tượng đang sinh sống tại cộng đồng được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước, được trợ cấp thường xuyên, không bỏ sót một đối tượng nào. Ngoài được trợ cấp hàng tháng, địa phương cũng vận động xã hội hóa, để trao tặng nhiều phần quà đến các đối tượng. Riêng với những đối tượng còn khả năng lao động, tùy từng trường hợp địa phương có hướng giúp đỡ, giúp họ cải thiện cuộc sống…

Sẻ chia kịp thời

Các đối tượng BTXH khi gặp khó khăn, hoạn nạn đều được hỗ trợ kịp thời. Nếu chẳng may bệnh đau, cũng an tâm chữa bệnh vì đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Công tác chăm lo cho các đối tượng BTXH còn nhận được sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, các tổ chức kinh tế, xã hội...

Do bị bệnh suy thận mãn, suốt mấy năm nay, ông Dương Văn Lượm, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, phải chạy thận liên tục 3 lần/tuần, chi phí trên 3 triệu đồng, nếu không có tấm thẻ bảo hiểm y tế. Nhờ có bảo hiểm y tế, ông Lượm chỉ chi trả vài chục ngàn đồng. Do ảnh hưởng của bệnh, nên ông Lượm không thể lao động, vì vậy, cuộc sống rất khó khăn. Thấu hiểu nỗi vất vả của gia đình, một mạnh thường quân đã hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng, tiếp thêm phần kinh phí, để ông Lượm tiếp tục điều trị bệnh. Theo ông Lượm, dẫu mỗi lần lọc thận chỉ tốn vài chục ngàn đồng để mua dây, kim tiêm… nhưng lâu ngày thì số tiền ấy rất nhiều. Với hoàn cảnh túng thiếu như gia đình ông thì sự giúp này rất có ý nghĩa. Ông Lượm chia sẻ: “Bệnh tật tôi có làm được gì đâu, chủ yếu do vợ con lo cho tôi. Tôi rất biết ơn các mạnh thường quân đã quan tâm, chia sẻ khó khăn với những người nghèo bệnh tật chúng tôi”.

Còn chị Đỗ Thị Hòn, ở thành phố Vị Thanh, bị khuyết tật vận động. Để tạo điều kiện cho chị mưu sinh, cũng như thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày, chị đã được hỗ trợ chiếc xe lắc. Từ ngày có được chiếc xe lắc, chị Hòn đi bán vé số. Thương chị tật nguyền, nên mọi người cũng ủng hộ. Ngày nào đắt cũng được hơn trăm ngàn đồng, ngày ế cũng dăm bảy chục ngàn đồng. “Từ ngày có chiếc xe lắc này, cuộc sống của gia đình tôi cũng đỡ phần vất vả. Tôi sẽ cố gắng lao động, để không phụ lòng quan tâm của mọi người”, chị Hòn bộc bạch.

Công tác chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội được chính quyền địa phương, các ngành có liên quan và các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt và mang lại kết quả cao. Khi nghe có đối tượng khó khăn cần giúp đỡ, cán bộ đã trực tiếp đến tận gia đình để xác minh, nhằm thực hiện tốt các chính sách trợ giúp dành cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng.

Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp các đối tượng vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Song hiện nay, vẫn còn nhiều đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, cận nghèo, cho nên bên cạnh sự quan tâm của chính quyền các cấp, rất cần sự tham gia chung tay của toàn xã hội, để giúp các đối tượng bảo trợ xã hội có cuộc sống tốt đẹp hơn…

Toàn tỉnh hiện có trên 29.700 đối tượng bảo trợ xã hội nhận trợ cấp hàng tháng, với tổng số tiền trên 11,1 tỉ đồng. Trong đó, có 12.804 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng; 3.818 người cần có người chăm sóc…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>