Văn thơ Hậu Giang: Định hình phong cách, nét riêng

22/05/2020 | 08:47 GMT+7

Mỗi hội viên trong Phân hội Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, luôn nỗ lực vươn lên, để tạo nên những tác phẩm văn, thơ về đất và người Hậu Giang. Từng tác phẩm đã đưa độc giả đến những trải nghiệm thú vị...

Các hội viên đặt niềm tin và nhiều kỳ vọng vào Ban Chấp hành Phân hội Văn học nhiệm kỳ 2020-2025.

Những cái tên tạo được sự chú ý

Những cái tên tạo dấu ấn bằng những sản phẩm trong những năm qua phải kể đến: Đặng Hồng, Lê Hồng, Thanh Huyền, Huỳnh Thị Nguyệt, Lê Văn Trắng, Sao Mai, Bảo Bình, Tuyết Băng… Mỗi người một ngành nghề khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là niềm đam mê với văn thơ. Từ đó, họ luôn hứng khởi với những chuyến đi tìm cảm hứng sáng tác, cố gắng sắp xếp thời gian, công việc để tham gia các trại sáng tác lớn khu vực và toàn quốc. Mỗi chuyến đi, các nhà văn, nhà thơ lại tích lũy vốn sống, kinh nghiệm, cảm hứng sáng tác để làm nên những tác phẩm đầy tâm huyết.

Mỗi sản phẩm văn học khi ra mắt công chúng là một sự đầu tư của tác giả. Hậu Giang - vùng đất có nhiều tiềm năng, luôn gợi niềm hứng khởi cho các nghệ sĩ sáng tác, các nhà văn, nhà thơ nơi đây. 5 năm trở lại đây, tác phẩm nổi bật của các hội viên là Tuyển tập thơ, văn kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh. Ngoài ra, còn có những tập thơ, truyện ký của các tác giả như Đặng Hồng, Sao Mai, Lê Hồng…

Cùng với lực lượng sáng tác đã định hình phong cách, mang đến cho độc giả những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống, Hậu Giang còn có một lớp trẻ đầy triển vọng, đó là Kim Hương, Hữu Trọng… Tham gia vào hội chưa lâu, nhưng các tác giả đã phát huy sức trẻ bằng những sáng tác ghi đậm dấu ấn, đạt những giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác thơ trong, ngoài tỉnh. Không chỉ học tập, rèn luyện để nâng tầm chất lượng, họ đã tự nghĩ ra những cách kết nối những bạn yêu thích sáng tác trong nhà trường, chăm bồi những hạt nhân trong quá trình giảng dạy, gặp gỡ. Nhà thơ Kim Hương chia sẻ: “Là giáo viên dạy văn, tôi rất mừng khi phát hiện được học trò của mình viết tốt, có hứng thú với thơ. Giờ số lượng không nhiều, nhưng tôi vẫn luôn chia sẻ, động viên để các em phát huy năng khiếu của mình”.

Chính từ sự vun vén cho những hạt nhân mới, hứa hẹn sẽ có các gương mặt văn - thơ, một đội ngũ kế thừa tiềm năng trong tương lai.

Niềm tin vào tương lai

Phân hội Văn học tỉnh vừa tổ chức đại hội và các nhà văn, nhà thơ đều kỳ vọng, có nhiều niềm tin vào tương lai với sự phát triển của phân hội.

Là một tác giả trẻ, nhà thơ Hữu Trọng cho rằng, sáng tạo là lao động đặc thù, đòi hỏi cao về năng khiếu, nhưng không có nghĩa là để tài năng phát triển tự nhiên. Cần lắm những người đi trước tâm huyết để dìu dắt những cây bút rẻ, thu hút họ đến với sân chơi một cách tự nguyện. Người trẻ luôn cần một sân chơi lành mạnh, môi trường nghệ thuật và những trại sáng tác, những buổi giao lưu thật sự cần thiết…

Đó cũng là sự kỳ vọng của những nhà văn, nhà thơ trong Phân hội Văn học.

Nhà thơ Bảo Bình, Phân hội trưởng Phân hội Văn học, quyết tâm: “Bằng khả năng và trách nhiệm của mình, tôi sẽ làm hết sức để vực dậy lĩnh vực sáng tác, sẽ là cầu nối, tạo mọi điều kiện để hội viên phát huy khả năng sáng tác, giúp hội viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, đi thực tế sáng tác, giao lưu nhiều hơn, để nâng cao kỹ năng, để gắn kết, học tập và trau dồi kinh nghiệm lẫn nhau. Chúng tôi sẽ quan tâm, chăm bồi để kết nạp hội viên mới, nhất là trong hệ thống trường phổ thông, cao đẳng và đại học trong tỉnh”.

Hàng năm phân hội sẽ tổ chức một cuộc thi sáng tác văn thơ, ra mắt ít nhất 1 tập thơ, 1 tập truyện, xây dựng và củng cố Câu lạc bộ Văn thơ và tổ chức sinh hoạt định kỳ… Đây là những động lực, niềm tin để nhà văn, thơ Hậu Giang tiếp tục vững bước trên con đường sáng tạo.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>