Đưa sách về nông thôn

07/10/2019 | 07:55 GMT+7

Đó là mục tiêu của hệ thống thư viện công cộng Hậu Giang từ đây đến cuối năm, nhằm tiếp tục phát huy văn hóa đọc, góp phần cùng các ngành có liên quan xây dựng xã hội học tập...

Thư viện tỉnh phối hợp cùng Tập đoàn Trung Nguyên Legend tặng sách cho học sinh.

Nâng chất, đa dạng hóa hoạt động

Hậu Giang hiện có 1 thư viện tỉnh, 8 thư viện cấp huyện, 71 thư viện cấp xã, 2 thư viện ấp, 1 thư viện tại khu di tích. Chỉ còn 5 phòng đọc sách cấp xã và đang từng bước nâng chất để lên thư viện trong năm nay.

Từ việc nâng chất lên thư viện cấp xã, sách được tăng cường từ hàng trăm quyển lên hàng ngàn quyển với đủ thể loại, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn thông tin đa dạng, đa lĩnh vực từ sách. Cùng với đó, việc triển lãm sách được tổ chức thường xuyên từ thư viện tỉnh đến cơ sở vào những dịp lễ, tết. Đặc biệt, với vai trò đầu tàu, Thư viện tỉnh tổ chức luân chuyển sách hàng quý cho thư viện cơ sở. Bổ sung hơn 2.000 bản sách từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp nhận gần 5.000 bản sách từ dự án Ô tô thư viện lưu động… Tất cả đều nhằm mục tiêu xây dựng nguồn sách phong phú, đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân.

Cùng với đó, hệ thống thư viện công cộng còn đặc biệt quan tâm đến phát huy vai trò văn hóa đọc trong cộng đồng bằng nhiều hình thức: tổ chức cuộc thi giới thiệu sách, viết về quyển sách tôi yêu, đại sứ văn hóa đọc; tổ chức các trò chơi, đố vui về sách vào những đợt triển lãm sách, đối tượng chính là học sinh và trao những phần quà là những quyển sách hay để các độc giả có thể rút ra cho mình những bài học bổ ích làm hành trang bước vào cuộc sống.

Thư viện tỉnh còn chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thư viện, tạo điều kiện cho họ được học nâng cao về chuyên môn, để đáp ứng nhu cầu công việc; tổ chức các lớp  tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ thư viện cơ sở, phục vụ độc giả ngày càng hiệu quả.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý sách, xây dựng vốn sách điện tử, tạo điều kiện cho độc giả làm thẻ, tra cứu tư liệu trực tuyến… cũng được đặc biệt quan tâm. Những quyển sách hay được giới thiệu định kỳ trên website để độc giả có thể tìm kiếm cho mình quyển sách vừa ý. Bà Trần Tuyết Hận, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, chia sẻ, thư viện tiến hành rà soát để vận động cấp thẻ thư viện cho độc giả, nhất là học sinh, sinh viên. Mỗi năm vào ngày sách Việt Nam, thư viện cũng tổ chức nhiều hoạt động triển lãm sách, giao lưu với độc giả và tặng quà cho những độc giả thân thuộc. Không gian của phòng đọc sách được trang bị gọn gàng, sạch, thoáng, nhân viên phục vụ hòa nhã, nhiệt tình, tạo điều kiện thoải mái cho độc giả tìm đến đây để đọc hoặc tra cứu, mượn sách. Nhờ vậy, lượng độc giả đến với thư viện ngày càng ổn định.

Tiếp tục phát huy chuyến xe tri thức

Thư viện tỉnh cũng là 1 trong 31 thư viện tỉnh, thành trong cả nước, tiếp nhận xe ô tô thư viện lưu động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tập đoàn Vingroup trao tặng. Mỗi xe đều được trang bị 4.500 quyển sách, 1 máy chủ, 6 máy tính xách tay, 1 tivi, 1 bộ máy chiếu, màn hình chiếu, 1 máy phát điện, 10 ghế nhựa, dù cỡ lớn...; phần mềm quản lý thư viện, tài liệu điện tử, sách nói phục vụ người khiếm thị và hàng loạt phim tư liệu để phục vụ lưu động. Bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Chúng tôi vừa đi tập huấn sử dụng xe để có thể triển khai hoạt động hiệu quả. Vào cuối năm 2018, để chuẩn bị cho đợt phục vụ này, chúng tôi đã phối hợp tổ chức “Chuyến xe tri thức” đến 5 điểm trường trong tỉnh, như một bước khảo sát nhu cầu để có thể triển khai thực hiện một cách hiệu quả”.

Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019, Thư viện tỉnh đã tặng 100 bản sách cho Thư viện xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ. Cùng với đó, trong những năm qua, hệ thống thư viện công cộng đã tích cực thực hiện kế hoạch, đề án của UBND tỉnh như: Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tỉnh…, góp phần từng bước tiếp cận với nhiều đối tượng bạn đọc, tổ chức đa dạng các hoạt động về sách, triển lãm sách chuyên đề, đặc biệt là các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, dịp lễ, tết cùng các sự kiện chính trị của tỉnh.

Bà Lê Thị Thùy Dương nhấn mạnh: “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để tiếp cận với các trường học để phối hợp tổ chức đọc sách cho từng đối tượng học sinh, giúp các em giải trí hữu ích đồng thời xây dựng văn hóa đọc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhất là ở bậc tiểu học…”.

Việc triển lãm sách về nông thôn phục vụ người dân cũng đã được lên kế hoạch, nửa cuối tháng 10 này, sẽ bắt đầu tiến hành, hứa hẹn sẽ tạo điểm nhấn trong thời gian sắp tới. Tất cả cùng góp phần xây dựng môi trường đọc trong hệ thống thư viện, góp phần đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong hệ thống các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ… trên địa bàn.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>