Chú trọng nâng cao chất lượng gia đình văn hóa

18/10/2019 | 07:34 GMT+7

Xây dựng gia đình văn hóa đã khó, giữ lại càng khó hơn. Những người mà tôi có dịp gặp, bằng tấm lòng, trách nhiệm, đã không chỉ gìn giữ mái ấm của mình, mà còn góp phần cùng mọi người nâng cao chất lượng gia đình văn hóa...

Cảnh quan nông thôn các địa phương thay đổi là sự chung tay góp sức của người dân.

Quyết tâm và quan tâm

Hậu Giang hiện có 179.084 gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 92,5%. Trong đó có 12.208 gia đình văn hóa tiêu biểu, 50.934 gương người tốt - việc tốt. Con số này dao động hàng năm không nhiều và chất lượng ngày càng được nâng lên. Đó là nhờ sự quyết tâm của các ngành, các cấp trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, sự ý thức, cộng đồng trách nhiệm của người dân, đã tạo thêm niềm tin để xây dựng gia đình văn hóa bền vững.

Là người thường xuyên quan tâm và chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào, chia sẻ: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và nâng chất gia đình văn hóa. Bởi đây chính là thước đo cho chất lượng của phong trào. Ngoài việc chỉ đạo các địa phương xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, nêu gương để mọi người cùng học hỏi, chia sẻ, trong những chuyến kiểm tra, khảo sát, chúng tôi luôn đến tận những hộ gia đình, để xem cách họ xây dựng nếp sống ra sao, có gặp những khó khăn, trở ngại gì, để có hướng hỗ trợ kịp thời và có hướng chỉ đạo phù hợp”.

Hậu Giang đã xây dựng trên 600 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Điều này càng tạo thêm lòng tin, để những dân tham gia, là nơi để họ trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm để xây dựng, giữ vững mái ấm hạnh phúc. Bà Phạm Thị Kim Ba, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình ấp Bình Trung, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và là chỗ dựa cho chị em trong câu lạc bộ. Từ đó, những điều không hay trong mối quan hệ giữa vợ chồng nhanh chóng được chia sẻ, giải quyết. Niềm vui của những người làm công việc này như chúng tôi là vui mừng khi thấy ngày càng có nhiều người biết vun vén, chăm chút và nêu gương, để xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Xây và giữ không khó, nhưng cần nỗ lực

Đó là câu trả lời mà chúng tôi thường nghe khi có dịp tiếp xúc với những gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Họ chính là những hình mẫu, được tuyên dương, là tấm gương để mọi người nhìn vào và soi rọi. Trong quá trình phấn đấu vươn lên, họ sống mẫu mực và giáo dục con cái bằng chính cuộc đời của mình. Bà Văn Thị Xuân Đào, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, một gia đình văn hóa tiêu biểu của thành phố, hãnh diện chia sẻ: “Tôi tự hào là đã dạy cho các con mình biết quan tâm đến mọi người, kính trên, nhường dưới, biết học tập để tạo dựng cho tương lai. Trước đây, gia đình tôi có 3 thế hệ cùng sinh sống, nên sự hòa nhã, nhẫn nhịn, mềm mỏng được tôi tận dụng mọi lúc, mọi nơi để giữ mái ấm luôn rộn tiếng cười”.

Sự quan tâm sâu sát của các ngành, các cấp, đã tạo những điểm nhấn cho phong trào, mà cốt lõi vẫn là những mô hình từ những gia đình, với nòng cốt là gia đình văn hóa. Từ manh nha những mô hình trong dân, với mong muốn được cống hiến, góp sức của người dân, mà cuộc thi Mô hình có cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp đã được phát động và tổ chức hơn 10 năm nay, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Từ đây, các con đường ở nông thôn, những căn nhà của người dân, những ngôi trường, bệnh viện… được phủ lên một màu xanh mướt mắt.

Thành công kể trên, phần lớn chính là công sức của người dân. Và chất lượng gia đình văn hóa là thành quả từ sức dân. Việc dễ hay khó khi xây dựng gia đình văn hóa là câu chuyện mà người dân ưa nói, nhưng với họ, không có chuyện gì là không thể, nhất là việc xây dựng gia đình văn hóa…

Những gia đình văn hóa tiêu biểu, gương mẫu luôn được tuyên dương kịp thời, vào những dịp công nhận các danh hiệu văn hóa, sơ kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế Hạnh phúc…, làm chất xúc tác, tác động đến ý thức của mọi người, từng bước góp phần nâng cao nhận thức cho mỗi người, tiếp tục nâng cao chất lượng gia đình văn hóa.

Thời điểm này, các địa phương đang bắt đầu chuẩn bị bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Thay vì định tính như trước đây, chỉ xét đạt và không đạt, thì bắt đầu từ năm nay, sẽ có điểm số cho từng tiêu chí để người dân tự chấm trước khi đưa ra bình xét. Đây là sự khác nhau rõ nhất, đòi hỏi sự ý thức, trách nhiệm của người dân, sự quan tâm hướng dẫn sát sao của các ngành, các cấp, hứa hẹn sẽ là đợt rà soát và nâng chất danh hiệu gia đình văn hóa một cách thiết thực, có chiều sâu…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>