Bảo tồn, phát huy nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer

21/10/2019 | 08:33 GMT+7

Theo ngành chức năng, hiện toàn tỉnh chỉ có Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam, ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, được trang bị đầy đủ bộ nhạc ngũ âm và thành lập đội văn nghệ (Đội nhạc).

Thầy Danh Hồng Anh truyền dạy đánh nhạc ngũ âm.

Truyền dạy

Theo thầy Lâm Ngọc Còn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Him Lam, năm 2013, trường được trang bị đầy đủ bộ nhạc ngũ âm. Thầy và trò của trường cũng được một số vị sư ở Trà Vinh đến dạy nhạc ngũ âm, múa lâm - thôn… Từ đó đến nay, trường luôn duy trì Đội nhạc.

Thường Đội nhạc có từ 8-14 học sinh lớp 6 đến lớp 9. Đội nhạc không chỉ đại diện cho trường mà còn cho tỉnh tham gia nhiều cuộc thi về văn hóa dân tộc Việt Nam trong và ngoài tỉnh. Để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, khoảng 16 giờ 30 phút từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần, trường đều tổ chức dạy nhạc cho học sinh (thầy Danh Hồng Anh, giáo viên của trường dạy).

Thầy Anh nói: “Nhạc ngũ âm là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Khmer. Theo phong tục tập quán, nhạc ngũ âm chỉ được phép vang lên vào các ngày lễ lớn nên bà con rất quý loại nhạc này. Từ khi được trang bị dàn nhạc, chúng tôi khuyến khích học sinh dân tộc Khmer của trường theo học. Nhiều em tuy tuổi còn nhỏ nhưng rất đam mê âm nhạc dân tộc mình”.

Em Lý Thoại, thành viên Đội nhạc, chia sẻ: “Dù thời gian tiếp xúc chưa nhiều nhưng em rất yêu thích. Em sẽ cố gắng học hỏi và luyện tập thật tốt để luôn ghi nhớ, có dịp sẽ phục vụ đồng bào mình”.

Ngoài việc tham gia một số cuộc thi về văn hóa dân tộc, Đội nhạc còn giao lưu, biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh vào các dịp Tết Chol Chnam Thmay, Sene Dolta, khai giảng, tổng kết năm học của trường…

Để sử dụng thành thạo các nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm đòi hỏi người sử dụng phải am hiểu cách thức hòa âm, thật sự yêu nghề và phải sáng tạo mới có thể thể hiện được. Thầy Danh Hồng Anh cho biết thêm: “Hiện nay, ngoài những kiến thức cơ bản, tôi thường trau dồi, học hỏi thầy cô ở tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu và trên phương tiện thông tin đại chúng để có kiến thức sâu truyền dạy các em và bảo tồn văn hóa dân tộc”.

Cần quan tâm bảo tồn

Toàn tỉnh có 2 trường phổ thông dân tộc nội trú và 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer nhưng chỉ có Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam có đầy đủ bộ nhạc ngũ âm và Đội nhạc ngũ âm. Theo ngành chức năng và một số vị sư ở chùa Phật giáo Nam tông Khmer, nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt trên là do không đào tạo được lớp trẻ kế thừa.

Cách đây khoảng 10 năm, chùa Ô Chum Rứt Sa, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, được đầu tư dàn nhạc ngũ âm. Những năm trước, khi địa phương có tổ chức lễ hội của đồng bào, người biết chơi nhạc cụ này tập hợp cùng hòa âm, góp vui cho ngày hội. Thế nhưng, khoảng 5 năm nay, việc hòa âm dần vắng bóng. Đại đức Danh Thanh, Trụ trì chùa Ô Chum Rứt Sa, cho biết: “Do không có người kế thừa và do dàn nhạc ngũ âm của chùa xuống cấp”.

Còn thầy Danh Hồng Anh cho biết, tuy nhiều em của trường đam mê nhưng sau khi ra trường, vì cuộc sống, hầu hết các em đều bỏ nghề.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Thanh Triều, Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh, nói bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập toàn cầu là nhiệm vụ cần thiết, trong đó có nhạc ngũ âm của đồng bào dân tộc Khmer.

Ông Triều nói thêm, việc giữ gìn những giá trị văn hóa đòi hỏi chính sách nhất quán giúp cộng đồng người Khmer nhận thức được di sản quý do ông cha để lại, từ đó cùng ra sức bảo vệ và truyền cho đời sau. Muốn làm được rất cần sự quan tâm đúng mức của ngành chức năng, sự đầu tư của Nhà nước và vào cuộc của cộng đồng người dân tộc Khmer.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>