Áo bà ba như một “Đại sứ giao lưu văn hóa”...

09/02/2024 | 08:10 GMT+7

Áo bà ba là trang phục đặc biệt, không kén người, giới tính hay dân tộc. Với người Hậu Giang nói riêng, người dân Nam bộ nói chung, nhắc đến áo bà ba sẽ luôn thấy tình quê đậm đà, mặc áo bà ba để giữ nét truyền thống, tôn vinh văn hóa. Áo bà ba còn làm tốt vai trò như một “Đại sứ giao lưu văn hóa”.

Một tiết mục tại Festival Áo bà ba.

Chiếc áo thân thương hoàn thành nhiều sứ mệnh

Nhớ hồi Hậu Giang tổ chức Festival Áo bà ba, mọi người đều rất thích thú và dành nhiều thiện cảm với Ngài Saadi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam, khi Ngài mặc áo bà ba... y chang người bản xứ.

Ngài Saadi Salama chia sẻ rành rọt bằng tiếng Việt: Văn hóa truyền thống sẽ luôn trường tồn trong dòng chảy hiện đại. Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống là cách khơi gợi tinh thần tự hào của mỗi người dân. Trong sự phát triển hôm nay, văn hóa truyền thống luôn đóng vai trò quan trọng. Người dân bản xứ ở đâu cũng vậy, luôn tự hào về giá trị văn hóa vùng miền, bởi điều này làm nên nét đặc sắc mỗi dân tộc.

Trong chiếc áo bà ba và khăn rằn, Ngài đại sứ bảo rằng khi khoác lên chiếc áo bà ba, vắt chiếc khăn rằn lên vai, lại thấy thân thuộc, gần gũi, vì chiếc khăn rằn giống với chiếc khăn Kefiah của người Palestine.

Hậu Giang đã kể một câu chuyện hay về áo bà ba.

Mỗi dân tộc, mỗi đất nước có trang phục, cách ăn mặc rất khác nhau, ít trang phục nào vừa tôn vinh giá trị truyền thống dân tộc mình, vừa tôn vinh văn hóa nước bạn, thế nhưng chiếc áo bà ba đã làm được điều này. Khi các vị quan khách đến từ Canada mặc chiếc áo bà ba in hình lá phông đỏ, vợ chồng Ngài Đại sứ Cộng hòa Czech, Armenia, các vị khách từ nước Nga với những chiếc áo in hình những di sản nổi bật của đất nước họ rất đẹp, điều này khiến ai cũng trầm trồ.

Mới thấy, chiếc áo dung dị nhưng mang nhiều sứ mệnh, khơi gợi giá trị truyền thống trong dòng chảy hiện đại, quảng bá, kết nối, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc.

Bà Macine Bachelot Nguyen, đạo diễn và diễn viên người Pháp, bồi hồi: “Tôi có bà nội là người Việt Nam, khi mặc chiếc áo này, tôi cảm thấy rất đẹp, thanh lịch và gọn gàng. Chiếc áo này còn gợi trong tôi những ký ức về người bà của tôi, những người họ hàng của tôi ngày xưa cũng mặc chiếc áo này. Đến với Festival, đã gợi nhớ nhiều ký ức, tôi rất xúc động”.

Các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nữ của Trung ương và tỉnh nền nã trong chiếc áo bà ba.

Niềm tự hào của người dân Nam bộ

Chiếc áo bà ba đã trở nên quen thuộc với người dân Nam bộ, khi nhắc đến áo bà ba, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Nam bộ nói riêng. Áo bà ba đã cùng mẹ, cùng chị, cùng anh ra chiến trận, góp phần viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. Thời bình, chiếc áo bà ba cùng nông dân ra đồng, lao động để xây dựng quê hương…

Áo bà ba thân thương đã gắn bó bao đời với người Nam bộ, dãi dầu in hình mồ hôi lên từng nếp áo. Nhớ mấy chị hay chọc nhau, khi thấy trong xóm ai mặc áo màu thiên thanh là biết có chuyện hẹn hò, lúc mặc màu hoa cà là đợi người thương...

Cách nay khoảng 30 năm, đám cưới, đám gả, ngày nhóm họ, cô dâu mặc áo bà ba duyên dáng tiếp đãi bà con, tới ngày chính mới mặc sa rê tiếp khách, về nhà chồng là thay ngay áo  bà ba màu thiệt đẹp ra sau sàn lãng để... chùi xoong.

Bao đời nay, áo bà ba ít thay hình đổi dáng, không nhà thiết kế nào cách tân nhiều khi may áo bà ba như các trang phục truyền thống khác. Trước đây, áo bà ba nếu có khác nhau chủ yếu ở màu sắc từng chiếc áo. Đến khi Festival Áo bà ba lần đầu tiên được Hậu Giang tổ chức, nhiều người bất ngờ với cách quảng bá văn hóa, ẩm thực, đặc sản trên chiếc áo quá đỗi quen thuộc với mỗi người dân.

Nhà thiết kế nổi tiếng Minh Hạnh phủ lên các chiếc áo một nét mới, đó là hình ảnh những đặc sản quê nhà Hậu Giang: Khóm Cầu Đúc, cá thát lát, cảnh đẹp Hậu Giang, hình ảnh thực tế chân dung các bà mẹ, các tiểu thương ở chợ nông thôn Vị Thanh được in lên trên áo, các bức tranh vẽ về cảnh đẹp Hậu Giang... càng làm chiếc áo bà ba thêm đặc biệt, thêm ấn tượng.

Bây giờ, áo bà ba đâu chỉ được các bà, các mẹ mặc, áo bà ba trở thành trang phục được diện trong các lễ hội, nhiều sự kiện lớn và được nhiều người đẹp nước nhà đem đi thi quốc tế, để lại những ấn tượng khó quên trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.

Hình ảnh gợi nhớ biết bao kỷ niệm.

Năm 2023, Hậu Giang tổ chức thành công sự kiện văn hóa đặc biệt hướng đến 20 năm thành lập tỉnh: Festival Áo bà ba, đến nay dư âm một lễ hội chuyên về áo bà ba vẫn còn đọng lại. Khi nhắc lại Festival lại thấy vấn vương, thương nhớ áo bà ba: Chiếc áo ân tình, chiếc áo gần gũi bao đời gắn bó với các bà, các mẹ, các chú, các anh...

Bao đời nay áo bà ba vẫn thân thương, mộc mạc, là một phần của đời sống người dân Nam bộ nói chung, Hậu Giang nói riêng. Với việc nỗ lực tổ chức Festival Áo bà ba, tỉnh trẻ mong muốn tôn vinh, phát huy nét đẹp truyền thống giữa nhịp sống hiện đại, đó cũng là cách mở hướng cho sự phát triển tương lai...

Thực tế, rất nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL đã có những sự kiện huy động cả ngàn người trình diễn áo bà ba, nhưng với Festival Áo bà ba lần đầu được Hậu Giang phối hợp tổ chức, đã viết lên câu chuyện khác biệt, độc đáo, tròn trịa, tạo một sức lan tỏa sâu rộng với người dân trong và ngoài tỉnh. Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kỳ vọng: Thông qua sự kiện này, Hậu Giang mong muốn sẽ trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn đối với bạn bè, đối tác, du khách trong và ngoài nước. Mục tiêu lớn nhất mà tỉnh đề ra là phải tổ chức thật thành công sự kiện này.

Ngài Saadi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam, rất vui khi được mặc áo bà ba trình diễn.

Từ sự kiện này, đã gợi mở nhiều vấn đề về phát huy, phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống trong dòng chảy hiện đại. Bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực để chiếc áo dài của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Giờ ngồi xem sự kiện đặc sắc này, chúng tôi rất muốn tiếp tục với chiếc áo bà ba. Câu chuyện được gợi mở rất thú vị, từ truyền thống để nói về câu chuyện hiện đại của những người hôm nay, đã giữ gìn, phát huy truyền thống đó như thế nào, đó là một câu chuyện dài, nhưng nếu có sự quyết tâm, tôi tin sẽ làm được...”.

Khát vọng của một Hậu Giang phát triển sau Festival Áo bà ba là thêm sứ mệnh của chiếc áo bà ba, Nhà thiết kế Minh Hạnh - người đóng góp lớn cho thành công của sự kiện đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức, bày tỏ: “Tôi tin rằng câu chuyện của những cảm xúc sẽ được Hậu Giang viết tiếp bằng việc bảo tồn, phát huy, tạo dựng thương hiệu riêng cho chiếc áo bà ba, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần vào sự phát triển của tỉnh. Để làm được điều này còn là câu chuyện dài phía trước, chúng tôi chỉ là người khơi gợi để mọi người thấy rằng văn hóa luôn hiện hữu và nơi nào cũng có nét riêng biệt, độc đáo. Tôi cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để Hậu Giang phát huy”.

Cùng dân tộc trải qua nhiều thăng trầm và đến hôm nay, chiếc áo vẫn là niềm tự hào của người dân Nam bộ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Chưa thấy dân tộc nào có trang phục giống áo bà ba!

HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>