Niềm vui của người thương binh 95% thương tật

30/01/2020 | 09:27 GMT+7

Là thương binh nặng, suy giảm khả năng lao động đến 95%, nhưng cuộc sống ông Bùi Trường Sơn (ở khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ) lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Dù khiếm khuyết cơ thể, nhưng ông đã cố gắng, vươn lên trong cuộc sống. Ông nói: “Người ta bình thường cố gắng 1, mình phải cố gắng 9, 10. Khi xưa nghèo, đi giăng lưới, cắm câu, múc sình lấp ao, tôi làm hết. Hồi đó, bác sĩ nói tôi sống giỏi lắm 25 năm, nhưng sau 30 năm tôi lên thăm lại mấy ổng, ai cũng giật mình...”.

Ông kể, chính tình yêu đã giúp ông có cuộc sống đầy niềm vui như bây giờ. Ông nói, lúc nào cũng yêu đời, yêu gia đình, yêu đất nước mạnh giàu, yêu Đảng, yêu Hồ Chủ tịch. “Sống ở đời khó mà vẹn tròn hết mọi sự trong mắt người khác, tôi không phải là người hoàn hảo, chỉ đơn giản là người biết đủ, biết tạo niềm vui trong cuộc sống giữa cuộc sống bộn bề, đầy lo toan này”, ông Sơn chia sẻ quan điểm sống của mình…

Năm 1979, ông nhập ngũ, cùng đồng đội thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, làm nhiệm vụ trinh sát. Đến năm 1983, ông bị thương phải cưa hai chân đến gần bẹn khi mới qua tuổi 20. Sau khi được chuyển đi nhiều bệnh viện, ông Sơn về chữa trị gần một năm trời tại Bệnh viện Quân y 121 thành phố Cần Thơ, sau đó trở về quê nhà.

Cuộc sống thường nhật của ông cũng giống như bao nhiêu người khác, thức sớm, tập thể dục, thăm vườn cây ăn trái, dọn dẹp quanh nhà. Hai cái ghế ngồi là bệ đỡ giúp ông đi vòng quanh nhà.

Thành quả sau bao nhiêu ngày cố gắng của ông chính là 10 công đất ruộng, vườn, hai căn nhà tường xây dựng khang trang và con cái có cuộc sống ổn định. Sáng sớm, mỗi khi tập thể dục xong ông thích cùng những người bạn hoặc một mình ra xem ruộng…

Ông chia sẻ: “Tôi biết có người nói chân cẳng thế này chắc ở giá đến suốt đời chứ ai dám lấy, nhưng tôi vẫn có vợ con đàng hoàng. Vợ chính là điểm tựa và hậu phương vững chắc của tôi và các con”. Ông và bà lấy nhau vào năm 1983, sau khi vết thương lành lặn chưa được bao lâu. Bà thương ông đơn giản vì muốn săn sóc cho ông...

Ông có một người bạn thân là ông Đặng Văn Ngàn, cũng từng đi chiến trường Campuchia, ở gần nhà, nên hay đến gặp nhau tâm sự, lúc rảnh trò chuyện, đem đờn ra dạo mấy khúc xuân tình…

Giữa dòng đời bộn bề lo toan, xuôi ngược, ông vẫn sống thanh thản, không chút buồn phiền về khiếm khuyết. Ông nói mình đã vậy có ngồi lo buồn mãi cũng không được gì. Vậy mắc mớ chi buồn, phải biết tạo niềm vui cho cuộc sống này. Ai cố được, mình cũng cố được.

Mỗi năm, ông làm từ thiện 5 lần vào tháng giêng, tháng tư, tháng bảy, tháng mười và vào dịp Tết Nguyên đán. Nguồn tiền vận động từ người quen, mỗi đợt hơn 1.000kg gạo (trong ảnh, ông đến tặng quà cho bà Lê Thị Cúc, ở cùng khu vực, có con trai bị tổn thương não vì tai nạn giao thông). Cụt chân vậy chứ quanh phường ai nghèo đặc biệt ông biết hết.

Ông có 3 người con, 2 trai, 1 gái, tất cả đều đã có gia đình ổn định. Lâu nay, khi cần việc gì đi xa, anh út cõng cha lên xe rồi chở đi. Dù thân thể không lành lặn nhưng ông Sơn chăm làm từ thiện, những người con của ông đều ủng hộ việc cha mình làm…

Từ khi mất đôi chân và từ lúc có gia đình riêng, ông lại thấy trân trọng tình cảm với mẹ cha. Mẹ ông - bà Nguyễn Thị Bảy năm nay đã 86 tuổi, không bao giờ quên khoảnh khắc nhìn thấy con mất hai chân, nhắc đến lần nào bà cũng khóc, nhưng nay thấy ông vẫn mạnh giỏi, nước mắt lo lắng nay thành nước mắt hạnh phúc. “Mới hai chục tuổi mà cụt hai chân, tôi lúc đó khóc nước mắt chắc đầy lu, vì sợ con không biết sống sao…”.

Nhóm PV

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>