Tìm hiểu pháp luật: Hỏi, đáp về Luật Trẻ em năm 2017

19/08/2019 | 18:02 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Hãy cho biết quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi được quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 24 Luật Trẻ em, trẻ em được chăm sóc thay thế khi không còn cha mẹ; không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

- Trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 25 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động được quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 26 Luật Trẻ em, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 27 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt được quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 28 Luật Trẻ em, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 29 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 30 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang được quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 31 Luật Trẻ em, trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>