Cần tiếp tục nghiên cứu vận dụng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác Mặt trận

13/12/2019 | 08:21 GMT+7

Trao đổi kinh nghiệm trong vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm

(HG) - Sáng ngày 12-12, tại thành phố Vị Thanh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Mặt trận năm 2019 Cụm thi đua các tỉnh Nam sông Hậu.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh (đứng), Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam, phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN GIA

Dự hội nghị có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam trong Cụm thi đua các tỉnh Nam sông Hậu.

Tại hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết năm 2019, công tác Mặt trận các cấp ở cụm có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, việc đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân ngày càng đông đảo; tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo tại 2 kỳ họp Quốc hội được đánh giá cao; hình thức, nội dung tập hợp các tầng lớp nhân dân ngày càng sâu sắc thông qua Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019.

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2019-2024; vận động nhiều nguồn lực đóng góp cho công tác an sinh xã hội; hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn; công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng được quan tâm, góp phần xây dựng các tổ chức cơ sở đảng ngày càng trong sạch vững mạnh… Kết quả tích cực đó có sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của Mặt trận các tỉnh trong Cụm Nam sông Hậu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng làm rõ những tồn tại, hạn chế của công tác Mặt trận trong năm 2019 nói chung, ở các tỉnh trong cụm nói riêng. Đồng thời đề nghị thời gian tới, các tỉnh trong cụm đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động lớn của Mặt trận như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước nên bà Trương Thị Ngọc Ánh yêu cầu các cấp Mặt trận trong cụm tiếp tục nghiên cứu vận dụng các mô hình hay, cách làm hiệu quả vào điều kiện thực tế của địa phương mình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2020 và thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp tiếp tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Trước đó, thông tin với các đại biểu tham dự hội nghị, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho hay trong năm 2019, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Hậu Giang đạt nhiều kết quả quan trọng. Đây là kết quả chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Mặt trận các cấp trong tỉnh.

Nổi bật như Mặt trận các cấp trong tỉnh tổ chức vận động được hơn 195 tỉ đồng, xây dựng hơn 570 căn nhà đại đoàn kết và nhiều công trình, phần việc thiết thực khác, góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt công tác chăm lo cho gia đình có công, hộ người nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Ông Lữ Văn Hùng (đứng), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, phát biểu chào mừng các đại biểu về dự hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”; các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được triển khai rộng khắp và mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo báo cáo, trong năm 2019, tất cả các khu dân cư trong cụm đều tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có hơn 90% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội với hình thức, nội dung đảm bảo yêu cầu theo hướng dẫn, có sự tham gia của đông đảo Nhân dân và lãnh đạo các cấp, tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết của cộng đồng; các hoạt động gây quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội được quan tâm.

Cụ thể, Mặt trận các tỉnh trong cụm đã phối hợp vận động hơn 1.126 tỉ đồng và phối hợp vận động “Tết vì người nghèo” với hơn 441.900 phần quà với tổng trị giá hơn 164 tỉ đồng; quyên góp cứu trợ đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn gần 6 tỉ đồng; tổ chức được 3.320 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử, có hơn 212.100 lượt cử tri tham dự; tham gia hòa giải hơn 7.700 vụ việc với tỷ lệ hòa giải thành đạt bình quân trên 90%...

Dịp này, lãnh đạo Mặt trận các tỉnh trong cụm chia sẻ nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác vận động các nguồn lực đóng góp “Quỹ vì người nghèo”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phương thức phối hợp tuyên truyền, tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, dư luận xã hội cũng như tham gia phản biện, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

- Chiều cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ chủ trì hội nghị.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh (đứng), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phát biểu kết luận tại hội nghị.

Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong những năm qua, tình hình trật tự an toàn xã hội, hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trong năm 2019, cả nước xảy ra 48.037 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bình quân 4.000 vụ mỗi tháng. Các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá 37.454 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 78%. Đặc biệt, nổi lên là tội phạm giết người, tội phạm ma túy với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, nguy hiểm.

Trong khi hiện nay, công tác tuyên truyền, vận động, phòng ngừa có chuyển biến bước đầu nhưng chưa đủ mạnh, chưa thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa có nhiều đổi mới, đặc biệt vai trò của Mặt trận trong công tác phòng, chống tội phạm nhiều nơi chưa nổi bật…

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi và thảo luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận trong công tác phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay; việc phát huy vai trò của người tiêu biểu, già làng, trưởng tộc, chức sắc các tôn giáo trong công tác phòng, chống tội phạm; việc nhân rộng các mô hình tự quản về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở cộng đồng dân cư…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, giải pháp được đề ra tại hội nghị. Đồng thời, lưu ý Mặt trận các tỉnh cần lồng ghép thực hiện công tác phòng, chống tội phạm với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; mở rộng các hình thức tuyên truyền, vận động đến các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng cho biết qua ý kiến trao đổi kinh nghiệm từ thực tiễn trong việc tổ chức và triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm ở các địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp thành những kinh nghiệm, bài học thực tiễn để nhân rộng trên địa bàn cả nước trong thời gian tới.

NG.GIA - Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>