Khơi dậy tiềm năng võ cổ truyền

17/06/2019 | 08:52 GMT+7

Sau 5 ngày thi đấu, Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc lần thứ XX, năm 2019 do Hậu Giang đăng cai tổ chức đã chính thức khép lại vào hôm qua 16-6. Giải được nhận định sẽ tạo nên nhiều cơ hội khơi dậy tiềm năng cho võ cổ truyền tỉnh nhà.

Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc lần thứ XX được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng và công tác tổ chức.

Chuẩn bị chu đáo, tổ chức chất lượng

Sau nhiều năm hình thành và phát triển, võ cổ truyền Hậu Giang đã có cơ hội khẳng định tiềm năng dù còn khá non trẻ. Giải thu hút hơn 350 vận động viên, đến từ 30 đoàn, cùng tham gia tranh tài 8 hạng cân nam, 6 hạng cân nữ, đối luyện, quyền tự chọn và quyền quy định. Dù điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng với sự chu đáo từ Ban tổ chức đã mang đến giải đấu chất lượng.

Ông Trương Văn Bảo, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Tổng trọng tài giải, cho biết: “Đây là giải ghi nhận số lượng đoàn, vận động viên tham gia đông nhất từ trước đến nay, nên không khí rất sôi nổi, tạo sức cạnh tranh cao. Trong quá trình thi đấu, là điều kiện giúp chúng tôi phát hiện những nhân tố tiềm năng có thể đóng góp cho võ cổ truyền quốc gia”.

Để chuẩn bị cho giải, Ban tổ chức đã khởi động và thực hiện một loạt các kế hoạch đề ra từ quý III/2018. Qua 9 tháng chuẩn bị, mọi công việc đều đảm bảo hoàn tất, hiệu quả, khi cải thiện cơ sở vật chất, công tác an ninh trật tự ổn định, y tế đảm bảo,… giúp vận động viên tham gia cảm thấy hài lòng, thoải mái để thi đấu tốt hơn. Vận động viên Đỗ Minh Nhật, tỉnh Quảng Ngãi, giành huy chương vàng tại giải, chia sẻ: “Tụi em đã tích cực tập luyện gần 2 tháng nay để tham gia. Thi đấu tại giải, giúp em được va chạm nhiều, có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn. Ban tổ chức giải rất nhiệt tình, chu đáo trong mọi khâu, nên em vui lắm”.

Giải đấu đã để lại cách nhìn ấn tượng về một Hậu Giang mến khách, nghĩa tình, năng động. Thành công này còn bắt nguồn từ sự chỉ đạo, quyết tâm, hỗ trợ của địa phương, giúp cho giải dù lần đầu diễn ra nhưng quy mô, chất lượng và có khả năng lan tỏa.

Dù đa phần là những vận động viên trẻ, nhưng hầu hết đều có kinh nghiệm chinh chiến, mang đến cho người xem một cảm giác hài lòng, ấn tượng từ động tác biểu diễn quyền, đối luyện đẹp mắt, dứt khoát, đến căng thẳng, kịch tính, đầy cảm xúc với những màn đối kháng quyết liệt. Nguyễn Bích Ngân, vận động viên Hậu Giang, giành huy chương vàng nội dung biểu diễn quyền quy định, bộc bạch: “Đó giờ em chưa từng tham gia giải nào lớn vậy, nên lúc ra thi đấu bản thân run và hồi hộp lắm. Nhưng đó là cơ hội quý để em cọ xát, học hỏi thêm nhiều kỹ thuật cần thiết. Các bạn đến từ những đoàn khác, kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu tốt, nên em nghĩ mình cần trau dồi, rèn luyện nhiều hơn nữa”.

Cơ hội cho võ cổ truyền tỉnh nhà vươn tầm

Bên cạnh sự chủ động, hiệu quả trong khâu tổ chức, chất lượng chuyên môn của giải cũng được đánh giá cao từ nội dung đối kháng lẫn biểu diễn quyền. Các đơn vị mạnh đều giữ vững được phong độ chuyên môn ổn định như nhiều năm qua, trong khi những đoàn trung bình lại cho thấy sự đầu tư bài bản nhằm nâng cao thành tích, cải thiện chất lượng thi đấu. Cụ thể, như các trận đối kháng diễn ra kịch tính và thường kết thúc sau 3 hiệp; trình độ vận động viên đồng đều; kỹ thuật nâng cao và thần thái thi đấu tốt; phong cách thi đấu tuân thủ đúng theo luật của Liên đoàn…

Ông Trương Văn Bảo, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Tổng trọng tài giải, cho biết thêm: “Tôi đánh giá cao sự phát triển của võ cổ truyền khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Hậu Giang trong thời gian gần đây. Tỉnh nhà có sự quan tâm đầu tư, nếu so trước đây, Hậu Giang chỉ ở mức độ trung bình. Theo tôi, cần giữ vững mức độ như hiện tại hoặc phát triển cao hơn nữa thì võ cổ truyền Hậu Giang sẽ có nhiều cơ hội vươn tầm”.

Các đoàn tham gia đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực tham gia, tùy vào thế mạnh từng cá nhân mà phát huy, huấn luyện tập trung, bài bản, không dàn trải. Riêng võ cổ truyền Hậu Giang cần đẩy mạnh yếu tố thể lực, tăng kỹ thuật bởi đây là những yếu tố then chốt mang đến thành công.

Giải đấu được ví như một bước chạy đà hoàn hảo cho sự phát triển của võ cổ truyền Hậu Giang trong tương lai khi những tiềm năng trẻ được trải nghiệm, chạm trán những đối thủ mạnh. Ban huấn luyện sẽ có dịp để nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm, thiếu sót trong quá trình rèn quân, để hướng tới nhiều kết quả mới ấn tượng. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: “Hậu Giang chưa phải là địa phương có phong trào võ cổ truyền mạnh, nhưng việc tổ chức giải sẽ tạo tiền đề cho môn thể thao này ngày càng phát triển. Đồng thời, giúp vận động viên giao lưu, học hỏi, cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn”.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>