Sống đâu chỉ cho riêng mình !

16/12/2019 | 07:31 GMT+7

Qua bình xét ở các khu dân cư năm 2019, tại xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, xuất hiện nhiều điển hình gương người tốt - việc tốt, những hộ nghèo tiên phong viết đơn xin thoát nghèo... đó là những cá nhân điển hình biết sống vì cộng đồng.

Bà Thẩm nhận được nhiều sự yêu thương từ người bệnh đến đây khám.

Y sĩ hay làm việc thiện

Đến đo huyết áp, mua thuốc tại nhà bà Nguyễn Thị Thẩm, ở ấp Phước Tiến, ông Trần Văn Buôl, ở cùng ấp, năm nay đã 84 tuổi, hết lời khen ngợi: “Đó giờ tôi đi khám tại nhà cô Thẩm này quen rồi. Cô chỉ dẫn nhiệt tình, bán thuốc rẻ. Thuốc này mua ở đây giá rẻ, mà loại đó ra mấy tiệm thuốc tây ngoài chợ mắc hơn nhiều”.

Đây chỉ là một trong số nhiều ý kiến khen ngợi của những cụ ông, cụ bà cao tuổi dành cho bà Thẩm. Bà là y sĩ, phụ trách tổ y tế tại ấp gần 20 năm nay. Dù khám bệnh, bán thuốc lấy tiền, nhưng bà Thẩm được lòng nhiều người, không chỉ ở chỗ khám chữa bệnh “mát tay”, bà được yêu quý bởi tấm lòng thương người của bà. Bà Nguyễn Việt Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phước Tiến, chia sẻ: “Chị Thẩm cùng tôi làm cộng tác viên dân số rất lâu nay. Dù có điểm khám bệnh, bán thuốc tại nhà, nhưng vẫn rất nhiệt tình đi làm nhiệm vụ một cộng tác viên dân số. Mặc dù kinh doanh, nhưng chị Thẩm sống được với mọi người lắm. Có những cụ già khốn khó khám bệnh, chị không lấy tiền, nhiều trường hợp vậy lắm”.

Phía trước nhà, bà Thẩm để mấy bao quần áo cũ được những người đến khám bệnh đóng góp hoặc bà đi xin, để người khó khăn cần thì đến nhận. Hai năm nay, đã có hơn trăm bộ đồ gửi đến mọi người. Khi được hỏi nhà kinh doanh, để đồ từ thiện vậy không ngại khám bệnh ế hay sao?, bà Thẩm cười tươi: “Tôi làm ở đây bà con thương lắm. Mình giúp được gì cho cộng đồng thì mình làm, còn những người hoàn cảnh khó khăn, giúp được chút nào hay chút đó. Còn chuyện tôi khám bệnh lấy tiền thuốc rẻ, nguyên do là vì thấy nhiều người eo hẹp kinh tế, với tôi giá đó đã đủ để tôi đảm bảo cuộc sống của mình rồi, đâu cần lời lãi quá đâu”.

Ở ấp, xã có gì cần vận động, theo khả năng của mình, bà đều hết lòng, anh Đồng Thanh Văn, công chức văn hóa - xã hội UBND xã Đông Thạnh, cho biết: “Cô Thẩm sinh ra trong gia đình truyền thống, dù năm nay gần 60 tuổi, nhưng cô rất nhiệt tình, từ những công việc của Chi hội Phụ nữ ấp, đến những cuộc vận động, phong trào của xã. Nhiều khi ở quanh xã có người bệnh nửa đêm nửa hôm đến nhà đập cửa cô cũng đi, khuya lơ có ai mua thuốc cô cũng bán. Đó là tình người đối đãi với nhau”.

Cha hy sinh khi bà mới được mấy tuổi đầu, cuộc sống khốn khó, dưới bà còn hai người em. Bà được Nhà nước nuôi ăn học đến khi có bằng y sĩ, cảm ơn những điều được nhận, bà Thẩm luôn tự nói với mình phải giúp đỡ lại mọi người. Bà về định cư tại xã Đông Thạnh từ năm 1996, từ đó đến nay, bà luôn để lại ấn tượng đẹp với mọi người quanh ấp, xã.

Người phụ nữ đơn thân xin được thoát nghèo

Còn tại ấp Thạnh Thới, chị Nguyễn Thị Tú Anh khiến nhiều người bất ngờ khi tự viết đơn và đề xuất xin được thoát nghèo với chính quyền địa phương. Dù cuộc sống của chị còn nợ nần, bệnh tình đủ thứ, hai đứa con đang học cao đẳng. Mỗi ngày chị đều phải chiếu đèn hồng ngoại tại nhà và nịt đai lưng thoát vị đĩa đệm, còn thuốc uống mỗi ngày cả chục loại.

Hỏi tại sao hoàn cảnh vậy, chị vẫn quyết tâm xin thoát nghèo, chị Tú Anh chia sẻ: “Bây giờ, tôi vẫn còn thiếu nợ hơn trăm triệu đồng, mỗi tháng tiền thuốc men hơn 3 triệu đồng, nhiều bệnh lắm. Hai con lại đang đi học cao đẳng tốn tiền học phí, nhưng hơn năm nay, con gái lớn tôi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, tiền nợ nần trước đây trả được một ít, thuốc men có tiền mua, không còn đi vay mượn để mua như trước đây nữa. Cuộc sống đỡ hơn trước nhiều, tuy nợ còn nhưng mình thấy có nhiều cơ hội thoát nghèo, nên xin thoát nghèo, chứ không phải chảnh vì có con đi lao động nước ngoài đâu”.

Năm 2010, chị nằm một chỗ vì căn bệnh thoát vị đĩa đệm, chồng chị đưa đơn ly hôn, một mình với ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, ngoài số tiền tích cóp lâu nay, chị sống nhờ sự hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, người thân, họ hàng và bạn bè gần xa, vay mượn không ít. Căn bệnh thoát vị đĩa đệm khiến chị phải đi mổ. Mà đâu chỉ có căn bệnh đó, chị còn bệnh bướu lưng, cường tuyến giáp, rồi thêm căn bệnh thương hàn trong máu.

Nhiều năm nay, chị là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt ở xã Đông Thạnh, nhưng năm nay chị quyết tâm xin thoát khỏi hộ nghèo, vì chị muốn có được tương lai tốt đẹp hơn, không mang danh hộ nghèo suốt. Không thể cứ để là hộ nghèo để trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, những sự hỗ trợ đó còn nhiều người cần hơn chị.

Bà Thẩm, chị Tú Anh đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng có điểm tương đồng, khi có cùng chung suy nghĩ cuộc sống này đâu chỉ sống cho riêng mình, mà cần biết sống vì cộng đồng, vì những điều tốt đẹp cho xã hội.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>