Quan tâm xây dựng lực lượng sĩ quan dự bị vững mạnh

12/09/2019 | 05:48 GMT+7

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh luôn chú trọng đến công tác xây dựng lực lượng sĩ quan dự bị (SQDB) nhằm góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Đại tá Lê Văn Thăng (giữa), Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tặng giấy khen của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định 26 của Chính phủ về SQDB quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, mục đích xây dựng lực lượng SQDB là để bổ sung vào biên chế lực lượng dự bị động viên hoặc tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội khi có nhu cầu. Đối tượng SQDB gồm: quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan xuất ngũ, hạ sĩ quan dự bị hạng I đã giữ chức vụ cán bộ tiểu đội và chức vụ tương đương trở lên; cán bộ, công chức và những người hưởng chế độ như cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp xã trở lên.

Để xây dựng lực lượng SQDB vững mạnh, hàng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tuyển chọn những người có lý lịch rõ ràng, đủ tiêu chuẩn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ phù hợp để tiến hành đưa đi đào tạo.

“Việc tuyển chọn nguồn đào tạo luôn được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình. Sau khi chọn nguồn, cơ quan quân sự cấp huyện tiến hành cử cán bộ chuyên môn phối hợp với cơ quan liên quan thẩm tra, xác minh lịch sử chính trị hiện tại của gia đình, bản thân, đồng thời thông qua cấp ủy cùng cấp, phối hợp với ngành chức năng kiểm tra sức khỏe và hoàn thành thủ tục, hồ sơ. Theo đó, từ khi thành lập tỉnh đến nay đã đưa đi đào tạo trên 1.000 đồng chí”, đại tá Lê Văn Thăng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết.

Qua các lớp đào tạo SQDB, 100% học viên xác định rõ nhiệm vụ, động cơ phấn đấu, khắc phục hoàn cảnh khó khăn của gia đình, tích cực học tập, rèn luyện. Quá trình đào tạo, học viên nắm được các kiến thức cơ bản về chính trị, quân sự, pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng; kỹ, chiến thuật cũng như chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, chỉ huy trong quản lý huấn luyện dự bị động viên, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ khi được huy động. Sau khóa học, các học viên đủ khả năng vào biên chế dự bị động viên, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh nhà ngày càng vững mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, địa phương. Đến nay, SQDB toàn tỉnh đạt 174,68% so với nhu cầu sắp xếp.

Cùng với đó, công tác huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, sức mạnh tổng hợp của lực lượng SQDB.

Trong huấn luyện, các đơn vị bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, hiệu quả”, chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị cho lực lượng. Tổ chức huấn luyện chắc, gọn từng nội dung, xây dựng các tình huống sát với thực tế chiến đấu và đặc điểm địa bàn tác chiến.

Việc sắp xếp, bổ nhiệm SQDB cũng luôn được các đơn vị thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn. Hàng năm, ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố làm tốt việc rà soát SQDB, đề nghị về trên xét, quyết định sắp xếp, bổ nhiệm vào các đơn vị dự bị động viên đảm bảo chặt chẽ đúng quy định. Quá trình sắp xếp, bổ nhiệm SQDB luôn đảm bảo chất lượng về chính trị, đạo đức, trách nhiệm và trình độ. Đến nay, tỉnh đã sắp xếp được trên 98,6% SQDB vào các đơn vị dự bị động viên, vượt 3,6% so với chỉ tiêu giao.

Thượng tá Lê Xuân Điền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 114, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện SQDB, đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính; tập trung cho cán bộ, chiến sĩ luyện tập thuần thục điều lệnh đội ngũ, các động tác cơ bản chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, bắn súng tiểu liên AK, kỹ thuật lựu đạn, thực hành chuyên ngành phòng không… Qua đó, giúp SQDB biết vận dụng trong các trạng thái chiến đấu bộ binh, đánh chiếm mục tiêu ở mọi địa hình; đồng thời có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng lên đường khi có lệnh động viên”.

Còn tại huyện Châu Thành A, ngoài công tác nắm nguồn, đào tạo, đơn vị còn chú trọng thực hiện các chế độ chính sách. Theo đó, thông qua các buổi chi trả chế độ phụ cấp trách nhiệm và sinh hoạt, đơn vị còn tạo điều kiện cho cán bộ khung A nắm chắc điều kiện hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng SQDB để kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ quản lý SQDB. Trong quá trình kiểm tra, huấn luyện, diễn tập cũng được đảm bảo đúng chế độ chính sách theo quy định. Tất cả SQDB khi giải ngạch đều được khen thưởng của chủ tịch UBND huyện.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu, tới đây, cấp ủy, chính quyền, địa phương các cấp cần thực hiện tốt việc tổ chức, tuyển chọn người đi đào tạo SQDB theo đúng chỉ tiêu, đối tượng, tiêu chuẩn. Tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và đơn vị nhận nguồn dự bị động viên, đồng thời nghiên cứu, đổi mới phương pháp quản lý nguồn sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương.

“Đồng thời, nâng cao chất lượng chọn nguồn đào tạo, chất lượng huấn luyện, diễn tập cho SQDB; tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm SQDB. Thực hiện tốt các chế độ chính sách, làm tốt công tác tư vấn học nghề, tạo công ăn việc làm tại địa phương”, ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.

Với những kết quả đạt được, thời gian qua, lực lượng SQDB của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đặc biệt sẵn sàng cơ động thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>