Xây dựng Luật Biên phòng là yêu cầu cấp thiết

21/05/2020 | 08:09 GMT+7

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Tại các hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Báo Hậu Giang đã ghi nhận ý kiến đóng góp của một số đại biểu tại hội nghị.

Đại tá Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh.

Đại tá Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh

- Tôi cho rằng, Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Hiện nay, có nhiều lực lượng chức năng cùng hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu, với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Nhưng trong quá trình phối hợp công tác vẫn còn có vướng mắc nên cần có những quy định chung được luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phối hợp giữa các lực lượng được chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, tôi đề xuất dự thảo luật cũng cần bổ sung thêm một số quy định về nguồn lực, chính sách chăm lo hậu phương quân đội, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ ở khu vực biên giới, biển, đảo có điều kiện khó khăn. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết bị công nghệ hiện đại bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

 

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp

- Tôi đồng tình với việc lấy tên Luật Biên phòng Việt Nam thay cho Luật Bộ đội biên phòng hay các tên gọi khác, bởi đây dựa trên cơ sở thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

Đối với các quy định cụ thể, tôi cho rằng dự thảo luật cần nêu rõ khái niệm về biên phòng và nhiệm vụ biên phòng; quy định rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm của bộ đội biên phòng và các tổ chức có liên quan trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới, biển đảo.

Ở Điều 7, quy định về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, tôi đề nghị cần bổ sung thêm quy định về biện pháp thực hiện nhiệm vụ biên phòng để làm cơ sở pháp lý cho lực lượng thực thi nhiệm vụ; ở Điều 8, quy định về nền biên phòng toàn dân, cần bổ sung thêm quy định về đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ biên giới, thiết bị chiến trường cho nhiệm vụ tác chiến phòng thủ.

Tôi cũng đề nghị dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam nên chăng bổ sung thêm các quy định về xử lý kỷ luật, cũng như quy định về khen thưởng đối với hoạt động biên phòng nhằm đồng bộ với các quy định pháp luật trước đây.

 

Đại tá Huỳnh Chiến Công, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Đại tá Huỳnh Chiến Công, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam phải xây dựng lực lượng vững mạnh, chính quy tinh nhuệ và hiện đại, phải thể hiện được sự gánh vác trọng trách bảo vệ biên cương Tổ quốc, bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ.

Đối với quy định tại Điều 5 về “Nhiệm vụ biên phòng” căn cứ Luật Quốc phòng năm 2018, cũng như các quy định pháp luật có liên quan, tôi cho rằng dự thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm nhiệm vụ bảo vệ biên giới vùng trời và không gian mạng, bởi đây là những vấn đề phức tạp, quan trọng. Đối với quy định tại Điều 15 về “quyền hạn của bộ đội biên phòng” cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu các luật khác liên quan, để tránh sự chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới và bổ sung thêm quyền hạn của bộ đội biên phòng để đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Ngoài ra, có thể thấy, hiện có nhiều nhiệm vụ đang được bộ đội biên phòng thực hiệt rất tốt nhưng chưa được quy định, thể hiện rõ trong Pháp lệnh Biên phòng như: Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống bão lụt, phòng chống cháy rừng… nên sắp tới cần bổ sung; triển khai các biện pháp công tác biên phòng đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam có 7 chương, 33 điều, bao gồm: những quy định chung; nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; lực lượng bộ đội biên phòng; bảo đảm và chế độ chính sách về biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng... Theo ban soạn thảo, luật ra đời sẽ giúp thể chế hóa được đầy đủ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, chiến lược, nhiệm vụ bảo vệ biên giới và thể hiện đầy đủ, toàn diện nguyên tắc thực thi nhiệm vụ; góp phần khắc phục hạn chế, bất cập sau 20 năm thi hành Pháp lệnh Biên phòng…

 

ĐÌNH BẢO ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>