Tuyên truyền đa dạng, đúng trọng tâm

18/02/2020 | 08:07 GMT+7

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, ý nghĩa, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Một buổi tuyên truyền pháp luật ở thành phố Vị Thanh.

Tuyên truyền điều người dân cần

Thực tế hiện nay cho thấy, người dân có thể tiếp cận với kiến thức pháp luật bằng nhiều hình thức như: Qua phổ biến trực tiếp, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, tư vấn pháp luật… Với mỗi hình thức đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng, tuy nhiên, tuyên truyền miệng hay phổ biến trực tiếp là hình thức gần gũi và có thể đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng rất nhiều nội dung mà người làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật không thể truyền tải hết trong một lúc, một buổi… Vì vậy, cần lựa chọn những vấn đề cốt lõi, dễ hiểu, liên quan mật thiết đến đời sống người dân để truyền tải. Hình thức phổ biến cũng cần tùy theo đối tượng, nhưng phải diễn giải sao cho hấp dẫn, dễ thu hút người nghe.

Đồng quan điểm trên, ông Ngô Bửu Thiện, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành, cho rằng: “Tuyên truyền Luật Đất đai thì cần nhấn mạnh về các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục để xin cấp giấy, cơ quan giải quyết tranh chấp; đối với Luật Hôn nhân và gia đình thì truyền đạt các vấn đề như độ tuổi kết hôn, điều kiện kết hôn, ly hôn; Luật Hộ tịch thì cần tập trung vào các thủ tục khai sinh, hộ khẩu,… đó chính là những vấn đề dễ hiểu, dễ tiếp cận và cần thiết với đại đa số người dân.

Huyện Châu Thành A là một trong những đơn vị đạt kết quả cao trong thu hút người dân tham gia vào các buổi sinh hoạt pháp luật tại cộng đồng trong những năm qua. Các buổi sinh hoạt pháp luật ở huyện thường được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa hoặc tại những buổi tuyên truyền, sau phần giới thiệu, phổ biến của tuyên truyền viên, thường có phần giao lưu, trả lời câu hỏi và kèm theo đó là những phần quà khuyến khích tinh thần người tham gia.

Theo ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, đa phần đối tượng được tuyên truyền, phổ biến pháp luật là bà con nông dân nên việc đa dạng hình thức tuyên truyền sẽ giúp bà con dễ tiếp cận với nội dung cần truyền tải. Bên cạnh đó, việc tham gia trả lời câu hỏi và có những phần quà cũng khuyến khích tinh thần tham gia của bà con.

Sẽ tiếp tục đa dạnghình thức

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng: Công tác tuyên truyền, PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, việc phổ biến kịp thời, đầy đủ những nội dung pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân là tạo điều kiện để công dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo Sở Tư pháp, thời gian qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở đã không ngừng được củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đơn vị thực hiện nhiệm vụ PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân. Trong đó, hình thức PBGDPL được sử dụng ngày càng phù hợp, hiệu quả và không ngừng được đổi mới như: Hội nghị tập huấn; thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức “Ngày pháp luật”; tọa đàm, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; phát tài liệu các văn bản luật; thông qua chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật” trên Báo Hậu Giang, “Pháp luật và cuộc sống” trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các chuyên mục của các đài truyền thanh huyện, thị, thành...

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị và địa phương cũng tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các hội nghị, buổi sinh hoạt Ngày pháp luật. Đặc biệt, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật được củng cố, kiện toàn nâng tổng số báo cáo viên, tuyên truyền viên lên gần 1.600 người.

Theo ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền sẽ giúp người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các chính sách, pháp luật.

“Do đó tới đây, sở sẽ tiếp tục đa dạng các hình thức PBGDPL, trong đó sẽ ưu tiên, chú trọng thực hiện phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ loa truyền thanh ở cơ sở, tuyên truyền trên mạng internet, tổ chức các phiên tòa giả định; chú trọng việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, trong đồng bào dân tộc để đưa nhiều quy định, chính sách đi vào cuộc sống”, ông Phương nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>