Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu có sai phạm ?

21/03/2016 | 06:41 GMT+7

Tòa soạn Báo Hậu Giang nhận được thông tin của bạn đọc phản ánh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu (ấp Thị tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A) không đứng lớp dạy theo quy định; một số khoản thu, chi không công khai, minh bạch. Sự thật thế nào ?

Trường THCS Võ Thị Sáu.

Nội dung đơn của bạn đọc phản ánh: Năm học 2014-2015, hiệu trưởng trường này không đứng lớp dạy; trường thu các khoản học phí của học sinh chỉ ra biên nhận tạm thời, không ra lai chính thức; trong quá trình thanh lý phòng máy vi tính, trường không công khai. Ngoài ra, khi học sinh tham gia bảo hiểm y tế, trường được trích lại 20% chi phí khám, chữa bệnh ban đầu, nhưng từ năm 2009 đến nay, trường không công khai số tiền trên. Năm 2013, trường có nhận một số suất học bổng Tây Nam bộ, nhưng giữ lại 2 suất không phát cho học sinh.

Tại Thông tư số 28 ngày 21-10-2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, quy định hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý (hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần).

Bà Đỗ Thị Yến Nhi, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, hiện nay là giáo viên đứng lớp, cho biết: “Theo tôi biết được, năm học 2013-2014, thầy Lê Thanh Nhàn là Hiệu trưởng trường không đứng lớp giảng dạy tiết nào. Năm học 2014-2015, gần hết học kỳ 1 thầy cũng không lên lớp, theo quy định của ngành giáo dục là sai, tôi có phản ánh tại cuộc họp hội đồng sư phạm, sau đó thầy có lên thời khóa biểu nhưng cũng không đứng lớp dạy. Năm học 2015-2016, gần hết học kỳ 1 thầy mới đứng lớp giảng dạy”.

Về các khoản thu, chi trong nhà trường chưa được công khai, như các suất học bổng của Tây Nam bộ (mỗi suất trị giá 1.800.000 đồng). Qua tìm hiểu được biết, 2 suất học bổng được cho là giữ lại đã phát cho 2 học sinh thuộc đối tượng khó khăn. Về bảo hiểm y tế, khi học sinh của trường tham gia, trường sẽ thu nộp cho Bảo hiểm xã hội huyện Châu Thành A và sau được trích phần trăm lại.

Một giáo viên của trường nói: “Hàng năm, Bảo hiểm xã hội huyện trích cho trường 20% trên tổng số tiền nộp để đầu tư cho y tế trường học. Từ năm 2009 đến nay, trường không công khai số tiền này cho tập thể giáo viên biết và trường cũng không đầu tư cho y tế gì cả. Có lần, giáo viên phản ánh với hội đồng sư phạm nhà trường, thì hiệu trưởng trường nói kế toán sẽ tổng hợp rồi báo cáo cụ thể, nhưng đến nay không thấy nói gì”.

Đối với tài sản của trường, muốn thanh lý phải có quyết định thanh lý, thành lập hội đồng thanh lý… Được biết, nhà trường có thanh lý số máy vi tính hơn 10 triệu đồng nhưng không thấy tiền ở đâu. Bà Yến Nhi cho biết thêm: “Kinh phí sửa chữa phòng máy vi tính hàng năm lấy từ nguồn hội phí thu của học sinh, còn số tiền thanh lý máy vi tính trước đây do thầy Nhàn giữ, chưa báo cáo chi xài việc gì”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huỳnh Đức, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, nói: “Kiểm tra đầu năm tại trường này tôi có nghe phản ánh những nội dung trên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện có chỉ đạo trường làm rõ, nhưng đến nay chưa thấy báo cáo. Tới đây, tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo phòng giao bộ phận chuyên môn thanh tra, kiểm tra làm rõ từng nội dung cụ thể, nếu trường có sai sẽ xử lý”.

Bài, ảnh: PHI YẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>