Phát huy dân chủ, kiểm sát nghiêm túc

09/09/2019 | 20:11 GMT+7

Những tháng đầu năm, công tác kiểm sát ở tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, song theo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh, ngành cũng còn những hạn chế cần khắc phục để cuối năm các chỉ tiêu về xây dựng ngành, chỉ tiêu kiểm sát đạt và vượt yêu cầu.

Viện KSND tỉnh triển khai nhiệm vụ kiểm sát những tháng cuối năm.

Theo ông Trần Quang Khải, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, hạn chế cơ bản của ngành là công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới; công tác quản lý, rèn luyện cán bộ có lúc, có nơi chưa tốt…

Điều đó ảnh hưởng ít nhiều đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện KSND và các quy định liên quan.

Lãnh đạo Viện KSND tỉnh cho biết, tình hình tội phạm từ đây đến cuối năm diễn biến khá phức tạp, yêu cầu về bảo vệ pháp luật và cải cách tư pháp đặt ra ngày càng cao nên nhiệm vụ chính trị của ngành những tháng cuối năm phải rất được tập trung. 

Ngành sẽ tiếp tục chủ động quán triệt và thực hiện nghiêm các tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp; thực hiện có hiệu quả các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức viện KSND và các đạo luật về tư pháp, đặc biệt về  nhiệm vụ, quyền hạn của viện KSND. Tích cực cùng các cơ quan tư pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm. Thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra.

Hai cấp kiểm sát sẽ tích cực tham mưu với cấp ủy về các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nhanh các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; phấn đấu không để xảy ra các trường hợp đình chỉ điều tra vì bị can không phạm tội, tòa án tuyên bị cáo không phạm tội. Thường xuyên phối hợp với tòa án trong việc tổ chức các phiên tòa về hình sự, dân sự, hành chính rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên. Tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án; kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án nhằm bảo đảm việc quản lý và thực hiện các chế độ về giam giữ, thi hành án đúng quy định.

Sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo viện KSND hai cấp. “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến phát huy và thực hiện dân chủ trong nội bộ, thực hiện dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật; tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, bản lĩnh, năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu, gắn với kết quả các mặt công tác được giao phụ trách. Tăng cường công tác thanh tra, gắn công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý cán bộ công chức với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; chú trọng thanh tra đột xuất để phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành”, ông Trần Quang Khải cho biết.

Ngành cũng đặt ra yêu cầu thường xuyên chăm lo, giáo dục rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động, xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức ngành kiểm sát nhân dân thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, trung thành với sự nghiệp của Đảng.

Viện trưởng Viện KSND huyện Châu Thành Đỗ Thế Cường cho biết thêm, nhiệm vụ tập trung trong những tháng cuối năm là chủ động, tăng cường phối hợp với các cơ quan, trước hết là các cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định; thực hiện tốt hơn nữa phương châm của ngành “Đoàn kết, đổi mới - trách nhiệm, kỷ cương - thực chất, hiệu quả”.

“Đây là yếu tố quan trọng để thực hiện có hiệu quả chủ trương cải cách tư pháp của Đảng về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, chất lượng, hiệu quả công tác ngành”, ông Đỗ Thế Cường nhấn mạnh.

Mục tiêu cao nhất của hoạt động kiểm sát là phục vụ sự phát triển của địa phương, đất nước theo đường lối, chủ trương của Đảng. Do đó, ông Trần Quang Khải yêu cầu thêm là mỗi cán bộ, kiểm sát viên phải quán triệt, vận dụng đúng đắn các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cụ thể ông Khải yêu cầu: “Người đứng đầu các đơn vị viện KSND hai cấp phải tự mình đổi mới mạnh mẽ và toàn diện; phải tổ chức triển khai nhiều công việc quan trọng mới có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.

Bài, ảnh: T.THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>