Nhiều vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính

01/12/2020 | 08:34 GMT+7

Hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi bán rượu, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; xả rác, nước thải và khí thải chưa qua xử lý; hút thuốc lá nơi công cộng… đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi triển khai, thực hiện.

Người dân hút thuốc ngay trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dù đây là khu vực cấm hút thuốc, nhưng rất khó xử phạt.

Những năm qua, tình trạng vi phạm hành chính diễn ra ngày càng phức tạp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là ở lĩnh vực giao thông đường bộ; trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường; an toàn thực phẩm; kinh doanh; đất đai; xây dựng…

Dù các quy định xử lý vi phạm hành chính đã có đầy đủ chế tài nhưng thực tế áp dụng lại bộc lộ khá nhiều khó khăn, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước. Cụ thể như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các nghị định, quy định cấm quảng cáo tiếp thị thuốc lá, cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi vẫn khó đi vào cuộc sống. Trong khi đó, tình trạng hút thuốc lá ở nơi công cộng có chuyển biến nhưng không nhiều.

Dễ nhận thấy nhất là tại các bệnh viện hay trung tâm y tế, dù có bảng cấm hút thuốc lá nhưng không ít người vẫn ra ghế đá hoặc tìm góc khuất để hút. Khi bị phát hiện thì đa số được nhắc nhở nên người dân vẫn vi phạm. Còn ở khu vực bến xe, quán cà phê, người bán thuốc lá vẫn bán cho mọi người mua mà không cần biết có đủ 18 tuổi theo quy định pháp luật hay chưa.

Tương tự, tại Nghị định 28/2017 quy định hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, giao thông, xã hội bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng; phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng… Tuy có vi phạm nhưng lực lượng chức năng khó hoặc hầu như không thể xử phạt.

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất… Trong đó, quy định xử phạt từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định hành vi vi phạm ở đây là rất khó.

Ông Nguyễn Văn Bé, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, chia sẻ: “Hiện chưa có quy định nào cho phép người bán hàng được kiểm tra giấy tờ tùy thân khi nghi ngờ người mua chưa đủ 18 tuổi nên việc phát hiện tố giác vi phạm rất khó. Ngoài ra, để chứng minh hành vi vi phạm không dễ, trường hợp người dưới 18 tuổi tự nhận mua để sử dụng (tránh cho người lớn bị xử phạt) thì việc xác định càng khó hơn”.

Có thể thấy, tình trạng nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các ngành, địa phương ban hành chậm đi vào cuộc sống, việc thực thi, kiểm soát chưa nghiêm không chỉ làm suy giảm hiệu lực pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ người dân.

Sự hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ngoài ý thức tuân thủ, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế thì yếu tố chất lượng văn bản và công tác tổ chức thực thi, kiểm soát cũng như tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả đã dẫn đến nhiều quy định có cũng như không. Chưa kể là lực lượng giám sát, kiểm tra xử lý vi phạm một số lĩnh vực chưa đồng bộ, thiếu thống nhất đã làm hạn chế hiệu lực văn bản.

Trên thực tế, hoạt động xử lý vi phạm hành chính liên quan rất nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt và các hành vi vi phạm hành chính đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, làm ảnh hưởng không tốt tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Do đó, để thực thi các quy định mang lại hiệu quả thì đòi hỏi phải tạo chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật, hành vi, lối sống của người dân; cần có những quy định chặt chẽ trong kiểm soát, xử phạt đối với tất cả hành vi vi phạm triệt để, thực tế và có phân công rõ ràng hơn. Như vậy, mới đảm bảo các chế tài pháp luật được đi vào cuộc sống.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>