Minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập

04/03/2021 | 07:58 GMT+7

Minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng phải kê khai là một trong những giải pháp hiệu quả để phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Đại diện Thanh tra tỉnh triển khai nội dung trong việc kê khai, tài sản thu nhập theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Những năm qua, việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh được thực hiện một cách nghiêm túc, nề nếp. Mục đích của việc kê khai là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Được biết, từ năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Đối với Hậu Giang, ngay sau khi có Luật Phòng, chống tham nhũng, Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức quán triệt cho cán bộ chủ chốt của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch phòng, chống tham nhũng, lãng phí hàng năm và nhiều công văn, kế hoạch đôn đốc việc thực hiện quy định về minh bạch, kê khai tài sản, thu nhập.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị, hầu hết các đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đầy đủ, đúng quy định; cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công khai bản kê khai tài sản bằng nhiều hình thức, đảm bảo theo quy định. Đặc biệt, qua công tác kiểm tra, xác minh tài sản, tỉnh phát hiện một số trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đã xử lý theo quy định.

Hiện nay, theo thống kê của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 414 cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức kê khai. Trong năm 2020, số người thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập là trên 42.000 người, đến nay kê khai tài sản, thu nhập đạt 100%. Đặc biệt, khi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có hiệu lực, đã mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai.

Ông Lê Quốc Tuấn, Trưởng phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng và giám sát, xử lý sau thanh tra, Thanh tra tỉnh, cho biết: Theo quy định tại Điều 34, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đã mở rộng so với trước đây, các nhóm đối tượng này gồm cán bộ, công chức; sĩ quan công an, sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

“Bên cạnh đó, các loại tài sản, thu nhập nào phải kê khai cũng được mở rộng gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai”, ông Tuấn cho biết.

  1. song với việc kê khai, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng quy định bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Đối với bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

Được biết, vừa qua UBND tỉnh đã có kế hoạch về thực hiện việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, việc tổ chức kê khai, tiếp nhận, quản lý bản kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập phải hoàn thành trước ngày 31-3-2021.

Ông Trần Thanh Lâm, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, trước đây, việc kê khai tài sản được đánh giá là còn hình thức và chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Chính vì vậy, nhiều giải pháp mới đã được thể chế hóa trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020 của Chính phủ. Để hạn chế tính hình thức và kiểm soát thực chất được tài sản của cán bộ, công chức, nhất là đối với những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tới đây, thì nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020 về kiểm soát và kê khai tài sản, thu nhập, để qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>