Hợp lý nhưng không hợp tình

22/10/2019 | 23:03 GMT+7

Một gia đình 3 người đang sinh sống bình yên, nhưng rồi chỉ vì mâu thuẫn với con dâu ở cạnh bên và một bản án chưa hợp tình của tòa đã khiến cả gia đình lâm vào hoàn cảnh éo le...

Gia đình bà Tấm dọn ra căn chòi của bà con để ở nhờ.

Áp đảo tinh thần mẹ bằng cách mở nhạc lớn

Theo bà Lê Thị Tấm (76 tuổi), ngụ khu vực Bình An, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, gia cảnh éo le của bà bắt đầu từ năm 2016 khi con ruột là anh Trần Cà Thum tổ chức đám cưới với chị Đỗ Thị T.

Sau khi hai người chung sống được một thời gian, đầu năm 2017, chị T. đập căn nhà cũ của anh Thum để xây nhà mới cạnh nhà bà Tấm, đến cuối năm, chị T. tiếp tục xây cất thêm phần mái che, hàng rào và một số công trình kiến trúc khác trên đất của bà Tấm (nằm ở phần nhà bà Tấm), lúc này, gia đình bà Tấm không phản đối.

Đầu năm 2018, giữa anh Thum và chị T. phát sinh mâu thuẫn nên anh Thum bỏ nhà đi. Từ đó, phía chị T. tìm cách gây sức ép với bà Tấm như khóa cửa chặn lối ra vô, khóa điện/nước, xúc phạm bà Tấm…

Bà Tấm cho biết, lúc đầu, chị T. và gia đình tôi không có mâu thuẫn gì, việc T. xây các công trình với mục đích làm ăn nên không ai phản đối. Tuy nhiên, từ lúc con bà bỏ đi, chị T. muốn mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình vay vốn làm ăn nhưng không được đồng ý nên hai bên phát sinh mâu thuẫn.  

Theo anh Trần Cà Trên (con bà Tấm), khi vợ chồng chị T. và anh Thum lấy nhau thì gia đình có thống nhất để chị T. xây nhà mới làm nơi ở và kinh doanh. Lúc hai bên xảy ra tranh chấp, chị T. kêu mẹ chồng trả tiền giá trị công trình kiến trúc trên đất bao gồm hàng rào, mái che nhưng yêu cầu này không được đồng ý vì các công trình do chị T. tự xây dựng, với lại gia đình cũng không có khả năng để trả.

“Mẹ tôi bị bệnh tim, từ ngày hai bên cãi nhau, phía chị T. ngày nào cũng dùng loa công suất lớn bật nhạc trước nhà. Chị T. còn nhiều lần đe dọa, khiến cuối năm 2018 gia đình tôi phải dọn xuống nhà bà con xin ở nhờ”, anh Trên bức xúc cho biết.

Rồi mẹ bị buộc trả 388 triệu đồng

Sau khi tranh chấp các bên không thể hòa giải tại địa phương, đầu năm 2019, bà Tấm khởi kiện chị T. ra Tòa án nhân dân thị xã Long Mỹ yêu cầu mở cổng để bà Tấm đi lại và tháo dỡ phần mái che, cho sử dụng ổn định công trình kiến trúc mà chị T. xây dựng trên đất bà Tấm.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20-9-2019, Tòa án nhân dân thị xã Long Mỹ tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tấm. Theo đó, bà Tấm được quyền sở hữu toàn bộ công trình kiến trúc trên phần đất 823m2, buộc chị T. và anh Thum có trách nhiệm di dời toàn bộ phần mái che trước trả lại mặt bằng cho bà Tấm.

Tòa cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của chị T. Theo đó, công nhận cho chị T. và anh Thum phần đất và công trình kiến trúc trên diện tích 1.450m2, đồng thời buộc bà Tấm phải trả giá trị công trình kiến trúc cho chị T. số tiền 388 triệu đồng.

Theo bà Tấm, bản án của tòa buộc bà trả 388 triệu đồng cho phía chị T. về lý thì đúng nhưng lại không hợp tình, bởi bà đã gần 80 tuổi, không còn sức lao động thì lấy đâu số tiền lớn để trả cho chị T. Trong khi đó, các công trình chị T. xây dựng như hàng rào, mái che, sân xi măng chỉ giúp chị T. kinh doanh, còn gia đình bà không có yêu cầu vì trước khi có các công trình này gia đình bà vẫn sống ổn định.

“Giờ tôi chỉ muốn bà T. tháo gỡ các công trình đó và không đe dọa, chửi bới gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Còn với bản án của tòa, tôi đã gửi kháng cáo toàn bộ đến Tòa án nhân dân tỉnh để yêu cầu quyền lợi phù hợp hơn”, bà Tấm nói.

Trao đổi với phóng viên, bà Mai Kiều Ngân, Trưởng khu vực Bình An, cho biết đã nhiều lần tiến hành hòa giải giữa gia đình bà Tấm và chị T. nhưng phía chị T. không hợp tác. Còn về thực tế trước đó, gia đình bà Tấm đã sinh sống ổn định tại khu vực nhưng từ ngày hai bên tranh chấp, bà Tấm dọn đi nơi khác sinh sống vì cho rằng bị chị T. mắng chửi, gây áp lực.

“Chúng tôi cũng đã đến tận nơi để vận động gia đình bà Tấm trở về nhưng gia đình chưa đồng ý vì sợ chị T.”, bà Ngân cho biết.

Thiết nghĩ, việc tranh chấp dân sự giữa hai bên nếu chưa có sự đồng thuận sẽ được tòa án cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết hợp lý hơn ở phiên phúc thẩm. Tuy nhiên nên chăng lúc này cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ chính quyền nhằm giúp người dân có thể ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh trật tự địa phương.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>