Giải pháp nào giảm khiếu nại sai ?

18/10/2019 | 07:27 GMT+7

Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật. Nhưng thực tế cho thấy, đôi khi người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo chưa đúng quy định.

Người dân trình bày nội dung khiếu nại tại một buổi tiếp công dân của lãnh đạo tỉnh.

Thanh tra tỉnh thông tin, trong 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh tiếp nhận 279 đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, giảm 123 đơn so cùng kỳ. Qua kết quả xử lý, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu là đất đai, bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, về các chế độ chính sách… Trong đó, có đến 77% là đơn thư khiếu nại, tố cáo sai; khiếu nại đúng và đúng một phần chỉ chiếm 23%.

Để có kết quả phản ánh chất lượng nội dung khiếu nại, tố cáo trên, các cơ quan hành chính nhà nước đã tập trung con người, điều kiện vật chất và thời gian, công sức cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục luật định. Trong đó, có không ít vụ, việc khiếu nại có nội dung phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, ngành và gây tốn kém nhiều kinh phí, thời gian phục vụ cho công tác giải quyết đơn.

Cũng theo đánh giá của các ngành chức năng, quá trình giải quyết thực tế, nhiều vụ, việc khiếu nại trong quá trình xử lý, xác minh giải quyết đơn; qua phân tích, giải thích có lý, có tình, người khiếu nại nhận thức được vấn đề nên tự nguyện rút đơn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để người khiếu nại tự nhận thấy được nội dung khiếu nại của mình là sai hoặc sai một phần.

Theo ông Lê Phước Toàn, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, qua thụ lý giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhiều đơn thư có nội dung không rõ ràng hoặc trình bày không đúng nội dung yêu cầu giải quyết. Đặc biệt, có một số trường hợp nội dung đơn thư đã được các cấp, ngành giải quyết, trả lời đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình tiếp tục khiếu nại.

Trước tình trạng số vụ, việc khiếu nại, tố cáo sai chiếm tỷ lệ cao, ông Tăng Minh Thêm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho rằng để có thể hạn chế tình trạng này, các địa phương cần quan tâm giải quyết kịp thời các khiếu nại phát sinh ngay từ cơ sở.

“Hiện nay, một số đơn vị, địa phương, nhất là ở cơ sở có lúc chưa chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động, hòa giải, gặp gỡ thuyết phục người dân khi có vấn đề phát sinh nên họ chưa thấu hiểu hết đúng, sai việc khiếu nại của mình”, ông Thêm nói. 

Còn theo ông Trương Thanh Bình, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, để hạn chế khiếu nại, tố cáo sai, giải pháp đặt ra là cần tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chú trọng củng cố đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên nhằm góp phần xây dựng, hòa giải mâu thuẫn ngay từ cơ sở.

Song song với việc khiếu nại sai, cơ quan chức năng tỉnh còn băn khoăn trước tình trạng khiếu nại vượt cấp, khiếu nại không đúng thẩm quyền cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Lê Phước Toàn cho rằng, khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, người dân có thể gửi đơn hoặc đến trực tiếp tại Ban Tiếp công dân tỉnh (nếu thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh), ban tiếp công dân cấp huyện (nếu thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện) nhằm bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình theo đúng quy định pháp luật. Bởi qua đây, các đơn vị kể trên sẽ làm đầu mối tham mưu UBND cùng cấp xem xét thụ lý hay không thụ lý vụ việc và sẽ có thông báo kết quả cụ thể cho dân.

 Mặt khác, khi người dân không đồng ý đối với quyết định giải quyết lần đầu thì có thể khiếu nại trực tiếp lên cơ quan quản lý cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Trong trường hợp người dân không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai thì có thể khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>