Chơi hụi tiềm ẩn nhiều rủi ro

11/09/2019 | 23:51 GMT+7

Chơi hụi là hình thức tín dụng huy động vốn phổ biến trong dân. Tuy nhiên, do mang tính tự phát nên việc chơi hụi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Chủ hụi Nguyễn Thị Mỹ Duyên, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo dựa vào lòng tin

Cuối tháng 7 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh bắt tạm giam chủ hụi Nguyễn Thị Mỹ Duyên (57 tuổi), trú xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan công an, tháng 3-2019, một số hụi viên làm đơn tố cáo bà Duyên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra, bước đầu xác định, từ năm 2016 đến năm 2018, bà Duyên tổ chức nhiều dây hụi tháng có các hụi viên trên địa bàn huyện Châu Thành và vùng lân cận tham gia.

Trong thời gian này, lợi dụng việc hụi viên không đi bỏ thăm khui hụi đầy đủ, bà Duyên tự ý hốt 12 phần hụi của hai dây hụi tháng mở trong năm 2017 để chiếm đoạt số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Tại cơ quan công an, bà Duyên khai nhận sử dụng tiền chiếm đoạt để trả nợ vay do chăn nuôi thua lỗ và lấp hụi cho một số hụi viên đã hốt hụi nhưng không đóng hụi chết.

Còn trước đó, đầu tháng 7, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt 13 năm tù đối với Đinh Hồng Lập, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 26 người (theo hình thức góp hụi) với số tiền hơn 2 tỉ đồng.

Hay vào tháng 4, chủ hụi Nguyễn Thúy Kiều, ngụ thị xã Ngã Bảy cũng nhận mức án 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chơi hụi…

Thực tế, chơi hụi khá phổ biến ở vùng nông thôn lẫn thành thị, trung bình mỗi dây hụi có từ 10-20 thành viên và kéo dài từ vài tháng đến 1-2 năm. Tùy vào khả năng tài chính, người chơi có thể tham gia một hay nhiều dây hụi. Người ít tiền chơi hụi nhỏ, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/tháng; người khá hơn có thể tham gia dây hụi vài triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, hiện đang làm công nhân tại Công ty may Lạc Tỷ 2, đồng thời cũng là một hụi viên, chia sẻ: “Tiền lương hàng tháng, tôi dành một phần chi tiêu sinh hoạt, phần còn lại để đóng 2 phần hụi 500.000 đồng/tháng. Sau này, khi hốt hụi, có một khoản tiền kha khá để sắm sửa những thứ cần thiết. Còn nếu không chơi hụi, biết bao giờ mới tiết kiệm được số tiền lớn”.

Còn bà Trần Thị Sáng, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, có hơn 10 năm tham gia chơi hụi, cho biết, thông thường khi chơi hụi, người chơi và chủ hụi chỉ cần thỏa thuận bằng lời nói mà ít khi ghi chép, đối chiếu. Khi hốt hụi, chủ hụi sẽ bàn giao tiền, làm giấy tay, thành viên ký tên xác nhận là xong. Nếu hốt hụi chót, người chơi có thể nhận tiền với số lãi cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng nên rất thu hút hụi viên tham gia.

Cần nắm vững luật

Hiện nay, dù việc chơi hụi khá phổ biến nhưng rất ít người dân nắm rõ quy định của pháp luật về hụi. Do đó, nhiều đối tượng khi làm chủ hụi đã lợi dụng lòng tin hụi viên để thực hiện hành vi lừa đảo.

Điều 471, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Còn tại Nghị định số 19/2019 của Chính phủ điều chỉnh về việc chơi hụi quy định rõ, trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó sẽ được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc theo yêu cầu của người chơi thì sẽ được giải quyết tại tòa theo pháp luật tố tụng dân sự. Do vậy, những vụ vỡ hụi không đủ yếu tố để xử lý hình sự thường sẽ được chuyển sang tòa xử lý dân sự.

Ông Phạm Hoàng Lâm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết, mặc dù hụi được pháp luật thừa nhận và quy định rõ hình thức, nội dung, quyền cũng như trách nhiệm của các bên tham gia, nhưng qua thực tiễn xét xử tại tòa đối với các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua chơi hụi cho thấy, quá trình giao dịch, thỏa thuận chơi hụi còn mang nặng yếu tố niềm tin, giấy tờ, sổ sách không rõ ràng, chặt chẽ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, qua thực tế nhiều vụ vỡ hụi, việc thu hồi tài sản trả lại cho hụi viên cũng rất khó. Bởi nhiều chủ hụi khi vỡ hụi đã tẩu tán hết tài sản hoặc không còn tài sản nên người tham gia thường phải chấp nhận mất tiền khi xảy ra vỡ hụi.

Có thể thấy, cùng với tín dụng đen, tình trạng vỡ hụi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua chơi hụi trên địa bàn tỉnh là một trong những nguyên nhân gây bất ổn trật tự xã hội. Do đó, thời gian tới, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về hụi, giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh bị chủ hụi lợi dụng, dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản.

Bài, ảnh: Đ.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>