Cầu nối đưa pháp luật đến với dân

08/10/2019 | 07:28 GMT+7

Những năm qua, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp trên địa bàn tỉnh có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Ông Bùi Ngọc Song (thứ hai từ trái sang), tuyên truyền viên pháp luật xã Hiệp Lợi, thường xuyên trao đổi với cán bộ tư pháp xã.

Theo Sở Tư pháp, toàn tỉnh hiện nay có 273 báo cáo viên pháp luật và gần 1.000 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ này được lựa chọn từ những người có uy tín, kiến thức pháp luật, được xét công nhận hàng năm với nhiệm vụ chính là tuyên truyền, phổ biến, tư vấn các chính sách, pháp luật cho người dân.

Nhiều năm qua, ông Bùi Ngọc Song, ở xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, không chỉ được người dân địa phương biết đến là có uy tín, thành viên kỳ cựu của tổ hòa giải ấp Xẻo Vông C, mà còn là một tuyên truyền viên pháp luật năng nổ của xã.

Vốn say mê công việc nên dù đã ngoài 60 tuổi nhưng ông Song vẫn đảm trách tốt nhiệm vụ của mình. Điều khiến người dân khâm phục chính là ở lĩnh vực nào cần tư vấn, ông đều có thể trợ giúp kịp thời.

Theo ông Song, để trở thành tuyên truyền viên pháp luật giỏi, bên cạnh đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, đòi hỏi phải có kỹ năng và tâm huyết với công việc. Phải gần gũi, thiện cảm để người dân cảm thấy thích thú với những gì tuyên truyền viên nói, phổ biến. Bởi nội dung pháp luật thường khô khan, khó nhớ, vì vậy nếu chỉ tuyên truyền bằng lý thuyết, không kết hợp với thực tế sẽ dẫn đến khó nắm bắt.

“Là dân không chuyên nên bản thân tôi luôn cố gắng nhiều, nhất là khi trở thành tuyên truyền viên pháp luật thì tôi dành thêm thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các luật mới ban hành. Mình chia sẻ những điều đơn giản, gần gũi thì bà con mới dễ tiếp nhận và tin tưởng hơn”, ông Song nói.

Là một tuyên truyền viên với hơn 10 năm kinh nghiệm, ông Trương Tấn Được, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cho biết, dù người làm công tác tuyên truyền pháp luật tại cơ sở không tham gia phổ biến ở hội trường lớn, nhiều người mà chỉ tuyên truyền tại nhà thông tin hay nhà dân ở ấp, nhưng nhờ vậy lại tạo cảm giác không khí gần gũi.

“Có bà con khi đông người thì e dè, ngại đặt câu hỏi, nhưng khi sinh hoạt tại ấp thì xóa bỏ được tâm lý đó nên rất thoải mái nhờ tư vấn. Vì thế, chất lượng của những buổi tuyên truyền tại cơ sở luôn có những hiệu quả riêng”, ông Được cho biết.

Theo chia sẻ của nhiều báo cáo viên, tuyên truyền viên, người làm tuyên truyền càng nắm rõ luật bao nhiêu thì việc tuyên truyền càng hiệu quả bấy nhiêu.

Anh Nguyễn Quốc Thích, công chức tư pháp - hộ tịch, tuyên truyền viên pháp luật xã Thạnh Xuân, cho biết, Hội đồng giáo dục pháp luật xã đã phân công tuyên truyền viên phụ trách từng lĩnh vực cụ thể. Như một phó chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm tuyên truyền các văn bản, luật mới ban hành; trưởng công an xã chịu trách nhiệm tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, pháp luật về phòng, chống tội phạm ma túy và các tệ nạn xã hội.

“Còn tôi phụ trách tuyên truyền về khiếu nại, tố cáo, đất đai, hộ tịch, chứng thực, hôn nhân và gia đình. Việc phân chia lĩnh vực tuyên truyền sát với chuyên môn của từng người giúp hiệu quả cao hơn, giảm tải áp lực cho người làm nhiệm vụ”, anh Thích chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, nói để thu hút người dân đến tham gia học tập và tìm hiểu pháp luật, chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên giữ vai trò rất quan trọng. Khi báo cáo viên, tuyên truyền viên có cách nói chuyện dí dỏm, dễ hiểu, liên hệ được với thực tế địa phương sẽ giúp người dân nắm bắt tốt hơn các quy định.

Theo đánh giá của Sở Tư pháp, hiện nay đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh đều có trình độ, tâm huyết, tuy nhiên một số lĩnh vực cụ thể vẫn thiếu nhân lực; kinh phí hoạt động còn hạn chế. Ngoài ra, việc tập hợp người dân tham dự các buổi tuyên truyền pháp luật cũng gặp không ít trở ngại, do đó phải tổ chức lồng ghép sinh hoạt…

Để khắc phục khó khăn này, thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tập trung hướng dẫn, khuyến khích đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tích cực nghiên cứu, chủ động cập nhật văn bản, chính sách mới; xây dựng kế hoạch, cách thức tuyên truyền phù hợp, hấp dẫn, hiệu quả với từng đối tượng, hoàn cảnh. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng; đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm phân bổ kinh phí để báo cáo viên, tuyên truyền viên có động lực, yên tâm công tác.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>