Lợi ích từ trồng cam xoàn bằng phân hữu cơ

06/02/2017 | 08:28 GMT+7

Ông Trương Thành Long, ở khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ là người tiên phong trồng cam xoàn bằng phân hữu cơ ở địa phương này và đã đem lại những hiệu quả thiết thực.

Mô hình trồng cam xoàn bằng phân hữu cơ của ông Long đã tiết giảm nhiều chi phí, ít dịch bệnh.

Gia đình ông Long đang rất phấn khởi khi vừa thu hoạch trái của 55 gốc cam xoàn 5 năm tuổi bán cho thương lái với giá 27.000 đồng/kg. Do được trồng theo phương pháp bón phân hữu cơ nên vườn cam của ông Long mặc dù đã cho trái mùa 2 nhưng cây vẫn xanh tốt, không bị bệnh vàng lá, trái to, ngọt, nhiều nước. Sau khi trừ chi phí sản xuất, ông còn lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Được biết, thời gian trước, do 2,5 công đất của gia đình ông Long bị nhiễm phèn nên chỉ trồng các loại cây tạp không mang lại hiệu quả kinh tế. Tự mình tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng cây có múi bằng cách tự ủ phân hữu cơ nên ông Long đã mạnh dạn đầu tư cây giống để trồng thử nghiệm trên nửa công đất vườn của gia đình.

Ông Long cho biết: “Do đất của gia đình bị nhiễm phèn nên tôi hạn chế dùng phân đạm vì dễ gây chết cây. Hiện nay, để cung cấp dinh dưỡng cho vườn cam, tôi dùng vôi bột trộn với phân lân rải trên đất cho hạ phèn, rồi dùng phân rơm, phân chuồng, bã mía trộn với trichoderma để ủ, bón cho cây từ 3-4 lần trong năm kết hợp với sử dụng phân lân NPK. Ngoài ra, để hạn chế sử dụng thuốc hóa học trên vườn cam, khi diệt cỏ thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật thì tôi dùng dao để làm cỏ rồi phủ lên các gốc cây trong vườn để giữ ẩm và tạo thành phân cho cây khi cỏ phân hủy”.

Theo ông Long, trồng cam bằng phân hữu cơ phải chú ý đến việc tưới tiêu hợp lý. Mùa nắng tưới 3-5 lần/tuần, mùa mưa giữ mực nước thấp hơn 8-9 tấc so với mặt liếp, đào đường thoát nước, tránh gây ngập úng. Hiệu quả từ việc dùng phân hữu cơ ngoài tạo cho đất vườn luôn được tơi xốp, dễ thoát nước còn hạn chế tối đa hiện tượng úng rễ trong mùa mưa, giúp người trồng giảm hơn 30% chi phí đầu tư so với cách trồng dùng phân vô cơ thông thường. “Do mình dùng thủ công, tận dụng những thứ có sẵn để làm phân bón cho cây nên giảm chi phí phân, thuốc vì cây ít bị sâu bệnh gây hại. Trong 3 năm đầu, tôi tốn khoảng 500.000 đồng/công, đến giai đoạn cây trổ bông, nuôi trái thì phải bổ sung thêm phân NPK nên tốn hơn 1 triệu đồng”, ông Long cho biết.

Thấy được hiệu quả của việc chăm sóc cây trồng bằng phân hữu cơ nên gia đình của ông Long đã mua thêm hơn 200 gốc cam xoàn để cải tạo hết diện tích vườn tạp còn lại của gia đình, dự định năm sau sẽ vào mùa trái chiếng. Bà Lý Lệ Hoa, Quyền Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thị xã Long Mỹ, cho biết: “Khi bón phân hữu cơ cho cây ăn trái đã bổ sung cho đất các vi sinh vật có ích, giúp cây nâng cao sức đề kháng, chống chọi lại các mầm bệnh, côn trùng và sinh vật gây hại cho cây trồng”.

Theo bà Hoa, khi sử dụng phân hữu cơ, ngoài tác dụng cải tạo đất còn tạo điều kiện phát huy của các loại phân hóa học khi bón cho cây. Đây là biện pháp kỹ thuật hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, sản xuất những sản phẩm cây ăn trái sạch và an toàn, giúp cây tăng tuổi thọ và cho năng suất cao. Tuy nhiên, khi sử dụng phân hữu cơ cần có một quá trình và thời gian nhất định để sinh vật trong đất có điều kiện phát triển ổn định và cân đối để trả lại cho đất hệ sinh thái vốn có của đất. Về vật liệu ủ phân hữu cơ, người dân có thể sử dụng rơm rạ, bã nấm rơm, chất độn chuồng gà, phụ phế phẩm nông nghiệp ủ với thời gian 2-3 tháng kết hợp với trichoderma để bón cho cây trồng.

Hiện nay, diện tích trồng cây có múi ở thị xã Long Mỹ chiếm khá lớn và có nhiều nhà vườn phải đốn cây khi không mang lại hiệu quả do dịch bệnh vàng lá gây hại. Việc trồng cây có múi bằng phân hữu cơ của hộ ông Long đã tạo ra hướng đi mới và mang nhiều hiệu quả thiết thực trong thực tiễn rất cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HOÀNG NHÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>