Khơi thông điểm nghẽn, rau màu hút hàng trở lại

20/07/2021 | 07:23 GMT+7

Ngày 19-7 là ngày đầu tiên áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cho 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nhằm khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan rộng. Người miền Tây chưa bao giờ trải qua những ngày tháng căng thẳng như hiện nay, đó không chỉ là nỗi lo về sức khỏe mà còn cả gánh nặng về kinh tế.

Thành viên HTX Nông sản an toàn Long Trị A phấn khởi lại khi nông sản bắt đầu hút hàng.

Covid-19 đẩy người ta vào hai tình cảnh đối lập, một bên tay xách, nách mang hàng hóa dự trữ, hay có khi đỏ mắt tìm kiếm thứ mình cần vì khan hiếm thì ở bên khác những vườn rau ở một số tỉnh, thành bị ùn ứ, giá giảm sâu, không tiêu thụ được đành ngậm ngùi phá bỏ. Tuy nhiên, với việc điều phối của chính quyền, nhất là tháo gỡ nút thắt trong vận chuyển đã giúp rau màu của nông dân hút hàng trở lại, sau nhiều ngày ế ẩm.

Tại HTX Nông sản an toàn Long Trị A, ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, có 21 thành viên, gần 34ha đất sản xuất, trong đó có 13 hộ chuyên sản xuất rau ăn lá các loại, với trên 2ha. Trước khi dịch tái bùng phát, mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn rau các loại. Một tuần trước, giá cải xanh, cải ngọt rớt xuống 4.000-5.000 đồng/kg, xà lách 10.000 đồng/kg, giảm khoảng phân nửa so với 1 tháng trước... Thế nhưng bán không ai mua, còn chợ quanh khu vực cũng thưa thớt dân, do ai cũng sợ dịch bệnh nên rau, cải phần lớn quá lứa.

Tuy nhiên, nỗi lo ấy giờ đã được tháo gỡ. Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Thanh Ký, thành viên HTX Nông sản an toàn Long Trị A, ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, không giấu được niềm vui. Ông Ký chia sẻ sau mấy ngày ế ẩm, rau của gia đình và các thành viên khác trong HTX đã có người đến thu mua đưa đi tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Giá cải xanh, cải ngọt 10.000 đồng/kg, xà lách 15.000 đồng/kg, rau thơm các loại 20.000 đồng/kg nhưng không đủ nguồn cung.

Với 2 công đất, hơn 15 năm nay gia đình gắn bó với rau, màu. Ông Ký cho biết, sau thời gian ế ẩm, phải bỏ giờ nhiều người đến tìm mua. Một phần lo sợ dịch nên phần lớn thành viên HTX có tâm lý nhổ đồng loạt nhỏ, lớn cho qua đợt để bán một lần, hiện khoảng nửa tháng nữa mới có lại. Bởi thấy các địa phương ở ĐBSCL đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, sợ không ai mua nên nhổ hết. Đợt này ông Ký nhổ được hơn 1 tấn, lợi nhuận thu về trên 6 triệu đồng.

Bà Phan Thị Trúc Ly, ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, có niềm vui trở lại vì rau được mùa, được giá sau những ngày bán không ai mua. Hơn 4 công rau màu của gia đình, trong đó có khoảng 1 tấn rau, cải các loại đã được thu hoạch hết, với giá tăng gấp đôi so với 1 tuần trước. Tuy nhiên, điều mong muốn lớn nhất của người dân lúc này là dịch bệnh sớm được kiểm soát, để rau màu của nông dân có đầu ra ổn định hơn.

Tương tự như bà Ly, gia đình bà Phan Thị Chín cũng vừa thu hoạch xong 500kg rau các loại, khoảng 100kg còn lại sẽ được thu hoạch khoảng 3 ngày nữa. Chỉ tay vào nhà lưới, bà Chín cho biết số cải con đang được gia đình chăm sóc, mần cỏ, chuẩn bị tuyển bỏ những chỗ dày, cây yếu trong 2-3 ngày tới. Số đã thu hoạch gia đình tiến hành làm đất để tiếp tục tái sản xuất, bởi dự đoán giá rau sẽ tiếp tục giữ vững, thậm chí có chiều hướng tăng do nhu cầu lớn.

Ông Hồ Ngọc Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Long Trị A, cho biết các thành viên HTX xoay vòng sản xuất, mỗi hộ trồng 1 loại đảm bảo đa dạng các loại rau ăn lá, cung cấp hàng mỗi ngày. Theo ông Bình, trong vòng một tuần qua HTX cung cấp ra thị trường trên 3 tấn cải các loại, chưa tính mướp, đậu đũa. Thương lái đến tận nơi thu mua mà giá lại cao hơn trước nên người trồng rau rất phấn khởi, an tâm sản xuất trong điều kiện vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tái sản xuất để cung cấp rau xanh cho người tiêu dùng. Riêng đối với những diện tích đã thu hoạch, tiến hành làm đất lại để xuống giống ngay, đảm bảo không đứt gãy nguồn cung cho thị trường.

Qua rà soát, đến cuối tháng 6, diện tích rau mà toàn tỉnh xuống giống hơn 19.382ha. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, nhìn nhận: Trước tình trạng sức tiêu thụ ở HTX yếu, ứ hàng cục bộ, Sở NN&PTNT Hậu Giang đã phối hợp với Sở Công thương tỉnh liên hệ các siêu thị, cửa hàng bách hóa để tiêu thụ rau màu cho nông dân trong HTX. Ngoài ra, cũng đã liên hệ với Đoàn thanh niên Sở Y tế để xem xét, đề xuất Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thu gom, cung cấp cho các điểm cách ly tập trung phục vụ ăn uống cho người dân, thay vì phải mua ở ngoài với giá cao. Qua đó, giải quyết tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu và quan trọng hơn là giúp người nông dân ổn định đầu ra, an tâm sản xuất. Điều đáng mừng, hiện giá cả các mặt hàng nông sản của nông dân đã tăng trở lại, thậm chí cao hơn 1 tuần trước, đầu ra rất ổn định.

Với những nỗ lực của các cơ quan liên quan, sự thay đổi tư duy của bà con nông dân, nút thắt đầu ra không chỉ rau màu mà cả các loại nông sản khác dần được tháo gỡ. Đây không chỉ là chìa khóa cho việc ổn định thực phẩm trong thời điểm dịch bệnh hiện nay mà rộng hơn là phát triển kinh tế.

 Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>